Thành phố Thủ Đức có mức sống người dân cao nhất cả nước

06:48 29/11/2022

Chỉ hơn hai năm kể từ thời điểm lên thành phố, Thủ Đức đã trở thành “thủ phủ kinh tế” tại khu Đông TP.HCM, mức GRDP bình quân đầu người đạt 18.997 USD- cao nhất cả nước vào năm 2020. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế kéo theo sự đồng bộ, nâng cấp về hạ tầng, cũng như đưa bất động sản khu vực này bước sang trang mới.

 

Cửa ngõ kinh tế khu Đông TP.HCM

 

Thành phố Thủ Đức là "thành phố trong thành phố" đầu tiên của TPHCM, được ra đời vào tháng 12/2020. Chỉ sau 6 tháng, Thủ Đức đã ghi dấu ấn tượng bằng bước chuyển mình ngoạn mục khi đóng góp 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cho TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của cả nước. Đặc biệt, mức GRDP thậm chí gấp 3 lần đơn vị xếp thứ 2, đạt 18.997 USD- cao nhất cả nước. Có thể nói, đây là con số vượt ngoài sức tưởng tượng, khẳng định tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.

Với những dấu mốc đáng kể, UBND TPHCM cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án "Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố giai đoạn 2020-2035" của Thủ Đức. Nơi đây sẽ là hạt nhân chính dẫn dắt TPHCM trở thành trung tâm lớn về kinh tế - tài chính và cả khoa học - công nghệ cao trên cả nước.

 

Hiện tại, các khu công nghệ đang ngày càng tập trung đông đúc và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Thủ Đức. Đáng kể, những hạt nhân kinh tế - khoa học - công nghệ - giáo dục hàng đầu như các tập đoàn lớn như Intel, Samsung; khu đô thị đại học hiện đại, chủ lực là Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Fulbright bên cạnh Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật; và khu đô thị mới Thủ Thiêm - trung tâm tài chính - kinh tế mang tầm quốc tế của TPHCM.

 

Từ các nguồn lực hiếm có trên, Tp.Thủ Đức hoàn toàn đủ tầm để trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm phía đông của TP.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo… Một thành phố hội tụ đủ các điều kiện lý tưởng để thu hút nhân tài, lực lượng chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước.

 

Hạ tầng nâng tầm bất động sản Thủ Đức

 

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế là tiền đề để Tp.Thủ Đức đầu tư hạ tầng, đồng bộ giao thông nhằm đem đến diện mạo mới, xứng tầm với tiềm năng của đô thị mới.  Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, TP.HCM triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông. Địa phương này cũng được tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

 

Điển hình là dự án cầu Thủ Thiêm 2, chính thức hoạt động chỉ sau 1 tháng thông xe. Cầu Thủ Thiêm 2 đã đưa Tp.Thủ Đức trở thành một “mắt xích” vàng trong mạng lưới giao thông khép kín của Vành đai 2, kết nối trực tiếp đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các quận trung tâm TP.HCM. Cùng với đó, tuyến đường Vành đai 3 cũng đang từng bước đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, phát triển dịch vụ du lịch khu vực và góp phần hình thành giao thông theo hướng đô thị đa trung tâm.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, hạ tầng giao thông đầu tư bài bản là “chìa khóa vạn năng” để đưa Thủ Đức cất cánh, sẵn sàng bứt phá nhanh chóng trong chu kỳ 5-10 năm tới. Với tốc độ phát triển như thế, Tp.Thủ Đức sẽ đón dân số gấp nhiều lần so với hiện tại. Dân số đông là tiền, nơi nào có dân số đông, nơi đó có tiền. Đồng thời, giá bất động sản Thủ Đức vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh khi tuyến metro cùng các dự án cao tốc đi vào vận hành. Đây là lý do các nhà đầu tư vẫn kiên định đổ về chờ đợi cơ hội kiếm lời, bất chấp giá cả biến động từng ngày.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ