Nhờ đứng tên giùm nhà đất - lợi bất cập hại
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay vì một số lý do cá nhân, nhiều người nhờ người thân hoặc bạn bè đứng tên giùm nhà đất của mình. Tuy nhiên, việc đứng tên này chứa rất nhiều rủi ro mà người mua nhà, đất không thể lường trước được khiến nhiều người “tiền mất, tật mang” và còn gây sứt mẻ tình cảm hai bên.
Theo các cơ quan chức năng, hiện nay tình trạng tranh chấp đất đai nói chung và tranh chấp do đứng tên giùm trên “sổ hồng” nói riêng diễn ra khá phổ biến. Thông thường do tin tưởng, nhờ cậy nhau để đứng tên giùm trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có giấy tờ, văn bản thỏa thuận đúng pháp luật dẫn đến tranh chấp.
Tranh chấp vì đứng tên giùm
Trên thực tế, phần lớn những người nhờ đứng tên giùm do không có quốc tịch Việt Nam nhưng muốn đầu tư mua bán nhà, đất trong nước. Điều này trái quy định pháp luật dẫn đến rủi ro rất lớn. Điển hình như vào tháng 10-2020, TAND H.Nhơn Trạch đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về vụ án dân sự liên quan đến việc đứng tên giùm.
Theo trình bày của bà L.T.H. (70 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) vào năm 2011, bà đã nhận chuyển nhượng QSDĐ và nhà ở với diện tích hơn 7 ngàn m2 tại xã Long Tân (H.Nhơn Trạch). Do mang quốc tịch nước ngoài, bà H. chưa đủ điều kiện sử dụng đất và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nên nhờ con nuôi là bà H.Y. (45 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) đứng tên giùm trên “sổ hồng”.
Đến năm 2015, khi về Việt Nam sinh sống và có đủ điều kiện sở hữu tài sản nên bà H. yêu cầu bà Y. trả lại giấy tờ và nhà đất nhưng bà Y. không trả, dẫn đến bà H. phải nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết. Sau nhiều năm hòa giải, đến năm 2020, tòa quyết định công nhận thỏa thuận về việc bà Y. phải trả lại đất và giấy tờ liên quan đến đất cho bà H. Thế nhưng, đến nay bà H. vẫn chưa lấy được giấy tờ và nhà đất.
Bên cạnh đó, cũng có những vụ việc tranh chấp do nhờ người thân trong gia đình đứng tên nhưng không làm giấy tờ thỏa thuận ban đầu khiến vụ việc khó giải quyết và kéo dài. Điển hình như cuối năm 2020, TAND tỉnh tuyên xử vụ án liên quan đến việc con dâu tranh chấp đất với bố mẹ chồng do nhờ đứng tên giùm.
Theo ông K.D. (66 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch), vào năm 2008, vợ chồng ông có nhận chuyển nhượng của người khác diện tích đất gần 150m2 tại H.Nhơn Trạch. Sau đó, ông bà nhờ con trai là K.H. (42 tuổi) đứng tên giùm trên giấy chứng nhận QSDĐ. Đến năm 2009, do yêu cầu cấp đổi giấy theo mẫu mới nên ông K.H. đã thêm tên của vợ là bà N.N. (37 tuổi) vào giấy chứng nhận QSDĐ.
Đến năm 2015, do vợ chồng ông K.H. có mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân nên dẫn đến tranh chấp thửa đất trên. Sau khi thu thập, nghiên cứu hồ sơ vụ việc, TAND tỉnh đã tuyên xử công nhận phần đất diện tích gần 150m2 trên là của vợ chồng ông D. (ông K.H. và bà N.N. chỉ là người đứng tên giùm trên giấy tờ). Vụ việc tranh chấp đã kéo dài nhiều năm (từ năm 2015 đến nay) nhưng vì không đồng ý với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh, bà N.N. tiếp tục kháng cáo vụ án lên cấp phúc thẩm để giải quyết.
Nhiều rủi ro khi nhờ đứng tên giùm
Theo thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh, một số trường hợp, việc đứng tên giùm là hành vi không đúng với quy định pháp luật. Nguyên nhân các vụ tranh chấp tài sản nhờ đứng tên giùm là do một trong hai bên không giữ đúng cam kết; việc mua bán qua lại, cấn trừ nợ nần, hùn hạp, đổi chác… không có giấy tờ rõ ràng.
Hơn nữa, theo bà Tuyến, để xảy ra tình trạng tranh chấp là do các đương sự không tuân thủ quy định nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp luật. Một phần lớn là do người dân thiếu hiểu biết pháp luật; chủ quan tin tưởng lẫn nhau nhưng vì lợi ích hoặc một lý do nào đó khiến cho một trong hai bên không giữ uy tín, cam kết; không thực hiện việc tư vấn pháp luật khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản.
Bà Tuyến cho biết, việc nhờ đứng tên giùm thông thường thuộc các trường hợp như: người có tài sản là người nước ngoài, người không có quốc tịch Việt Nam (không đủ điều kiện được cấp QSDĐ, sở hữu nhà) nên phải nhờ người khác đứng tên giùm; người đi nước ngoài trước đây phải khai báo không được đứng tên tài sản hoặc thuộc trường hợp nhờ người đứng tên giùm để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, thanh toán…; để một người đứng tên nhằm thực hiện việc tách thửa; hùn hạp, mua nhà đất chung, làm ăn chung nhưng không tách ra để một người đại diện đứng tên nhằm dễ dàng thực hiện các hoạt động giao dịch …
“Tất cả các hành vi thực hiện không đúng pháp luật thì đều có rủi ro rất cao. Trong trường hợp đứng tên giùm không trái quy định pháp luật thì thường không có thỏa thuận rõ ràng, không có cam kết riêng giữa hai bên, dễ dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn” - bà Tuyến nhấn mạnh.
Thẩm phán Bùi Bá Diễn, Chánh án TAND H.Vĩnh Cửu cho biết, theo Khoản 16, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 quy định, giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có QSDĐ, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Do đó, việc để người khác đứng tên trên giấy chứng nhận nhà đất đồng nghĩa với việc Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng, sở hữu của người đó đối với nhà đất, trong khi thực tế họ không phải là chủ thực sự. Người đứng tên giùm sẽ có quyền thực hiện các giao dịch về nhà đất như cho, bán, thế chấp… Điều này dẫn đến rất nhiều rủi ro cho người nhờ đứng tên (chủ thực sự) như có thể mất tài sản hoặc nếu lấy lại được tài sản cũng tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.
Theo Cafeland