Có nên đầu tư bất động sản khi 'tiền rẻ'?

07:44 05/12/2021

Năm nay, chỉ số lạm phát đang ở mức dưới 4%, được xem là khá an toàn. Trên thực tế, lạm phát cũng không phải là điều xấu khi mục tiêu phát triển kinh tế lớn hơn. Trường hợp lạm phát tăng cao, lên mức hai con số và tiến gần đến mốc 15-20%, đi kèm với hiện tượng kinh tế trì trệ, mới là diễn biến đáng lo ngại.

Hiện Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, tung ra nhiều gói kích cầu để hỗ trợ hồi phục kinh tế và có thể chấp nhận một mức lạm phát trong tầm kiểm soát. Dự báo năm 2022, chỉ số lạm phát có thể cao hơn năm nay nhưng vẫn ở mức thấp, trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, viễn cảnh lạm phát tăng lên có thể xảy ra ở nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới trong ít nhất 2-4 năm nữa.

 

Nhìn lại đợt lạm phát gây tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam gần nhất là năm 2012, mức lạm phát khi đó lên đến 17,27%. Tháng 1/2012, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có lúc lên đến 17% một năm, kinh doanh sản xuất khó khăn khiến mọi người đổ dồn tiền gửi tiết kiệm. Vàng khi đó dao động trong khoảng 40-41 triệu đồng một lượng.

 

Đây là giai đoạn USD suy yếu khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bơm tiền vào nền kinh tế bằng gói kích cầu QE3. Chứng khoán thời điểm này ghi nhận Vn-Index dao động quanh mức 500 điểm, tín dụng bị thắt chặt, kinh tế lao đao nên dòng tiền vào thị trường cũng kiệt quệ. Bất động sản năm 2012 gần như "đóng băng" khi lãi suất cho vay quá cao, ở mức 22-24% một năm khiến nhiều đại gia ngã ngựa.

 

Trong khi đó, so sánh với thực trạng tháng 12 năm nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp kỷ lục ở mức 5% một năm, kinh doanh sản xuất khó khăn khiến mọi người đổ dồn tiền sang các kênh đầu tư khác. Vàng trong nước dao động trong khoảng 60-61 triệu đồng một lượng, chênh lệch 10-11 triệu đồng một lượng so với vàng thế giới. Fed có khả năng điều chỉnh chính sách theo hướng lo ngại lạm phát giảm bớt có thể kết thúc đà tăng giá vàng.

 

Quan sát thị trường chứng khoán, tính đến tháng 12/2021, Vn-Index dao động quanh mức kỷ lục 1.500 điểm. Tín dụng tăng trưởng, dòng tiền vào thị trường dồi dào từ nhà đầu tư mới (F0). Bất động sản ghi nhận nguồn cung và lực cầu tăng trở lại sau những tháng dở phong tỏa đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng vẫn giảm tốc so với năm 2020. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển một phần lợi nhuận từ các kênh khác vào thị trường bất động sản, chủ yếu là tài sản gắn liền với đất.

Từ dữ liệu của năm nay cho thấy, năm 2022 các chỉ số của thị trường đầu tư vẫn thuận lợi trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp. Nếu bạn lo ngại tiền rẻ đi hoặc lo xa về nguy cơ lạm phát cao trong những năm tới, có thể cân nhắc đến một trong các kênh đầu tư: bất động sản liền thổ (đất nền, nhà phố), chứng khoán, vàng. Đây là ba kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay và có khả năng chống trượt giá (mất giá đồng tiền).

 

Theo dự báo của nhiều tổ chức độc lập, kênh đầu tư vàng có thể đạt mức tăng trưởng 8-10% một năm; chứng khoán có hiệu ứng tốt nhất với biên lợi nhuận bình quân 15-30% một năm và bất động sản nói chung đạt 12-15% một năm.

 

Mỗi kênh đầu tư đều có ưu điểm riêng. Vàng là kênh tích lũy đơn giản nhất, phù hợp với mọi túi tiền và thanh khoản cao. Chứng khoán biến động nhanh, đòi hỏi phải có kiến thức và theo dõi diễn biến thị trường thường xuyên, thanh khoản cũng ở mức cao. Trong khi đó, bất động sản liền thổ được xem là kênh trú ẩn an toàn, khá ổn định, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải am hiểu pháp lý, giá trị tài sản lớn, thanh khoản chậm hơn vàng và chứng khoán.

 

Ngoài ra, bất động sản đòi hỏi bạn phải đầu tư dài hạn mới tích lũy được lợi nhuận tốt. Tùy vào khẩu vị riêng và khả năng tài chính (vốn tự có, vốn vay mượn) của từng người, việc chọn kênh đầu tư để chống trượt giá có thể không giống nhau.

 

Tổng giám đốc Phú Vinh Group Phan Công Chánh

Chia sẻ