Cách tính tiền bồi thường đất khi giải phóng mặt bằng

03:13 04/11/2022

Kể từ thời điểm TP.HCM có thông báo đền bù giải phóng mặt bằng Vành đai 3 vào tháng 4/2023, nhiều người dân đã băn khoăn khi không biết tiền bồi thường sẽ được tính như thế nào và lô đất đang sinh sống lâu nay liệu có thuộc diện được đền bù hay không.

 

Căn cứ xác định đối tượng thuộc diện bồi thường

 

Theo Điều 79 Luật Đất đai, tùy vào từng trường hợp giải phóng mặt bằng (GPMB) vào từng thời điểm ở từng địa phương, nhà nước sẽ có mức đền bù phù hợp cho người dân trên cơ sở quy định. Những cá nhân, hộ gia đình nằm trong diện được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất là những đối tượng có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hoặc  các đối tượng này có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

Trường hợp, thửa đất ở thu hồi là diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở. Lúc này, hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất đó sang đất ở theo quy hoạch, kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Điều này đồng nghĩa, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. 

 

Như vậy, để biết cá nhân, hộ gia đình có thuộc đối tượng được nhận đền bù giải phóng mặt bằng hay không thì cần căn cứ vào cơ sở pháp lý, quyền sử dụng và giá trị của khu đất đang sinh sống. Dù thuộc trường hợp nào, khi thu hồi đất, Nhà nước vẫn có những phương án phù hợp để đảm bảo quyền lợi, an sinh cuộc sống cho người dân.

 

Cách tính tiền bồi thường

 

Đền bù hay bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là việc nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất trên diện tích đất thu hồi cho người bị thu hồi. Trong đó giá trị quyền sử dụng đất có thể là: tiền tệ, vật tư khác, theo quy định của pháp luật điều tiết hoặc một khu vực nhất định được thỏa thuận bởi các chủ thể.

 

Đồng thời, tùy vào mục đích sử dụng đất mà cách tính tiền bồi thường cũng khác nhau. Nếu thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất vì khu vực có nguy cơ đe dọa tính mạng con người thì không được thỏa thuận giá bồi thường, mà sẽ tính theo giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, cách tính phức phức tạp và do UBND cấp tỉnh quyết định. 

 

Vì thế, người dân khó có thể tự tính được chính xác thửa đất của mình được bồi thường bao nhiêu tiền. Do đó, khi bị thu hồi, người dân chỉ được thông báo giá bồi thường và phải đồng ý với mức giá này. Cụ thể, công thức tính tiền bồi thường đất do Nhà nước thu hồi được xác định như sau:

 

Giá trị của thửa đất cần định giá (01m2) = Giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất (K)

 

Ví dụ: Giá đất trong bảng giá đất là 10 triệu đồng, hệ số điều chỉnh giá đất là 1,10. Khi đó giá đất 01 m2 là 11 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ số điều chỉnh giá giá đất (K) thay đổi qua mỗi năm và không được công bố trước. Thế nên, người dân khó có thể tự tính được số tiền được bồi thường mỗi mét vuông là bao nhiêu.

 

Trường hợp, mục đích sử dụng đất công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì người dân có quyền thỏa thuận và đưa ra mức giá cao hơn so với trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

 

Dù thuộc trường hợp nào, việc xác định giá đất cụ thể, cũng phải đáp ứng các nguyên tắc và được thực hiện theo phương pháp, trình tự, thủ tục nhất định theo quy định của pháp luật đất đai. Và để biết được giá đất bồi thường khu vực của mình là cao hay thấp, bạn nên theo dõi  giá đất thị trường Tp HCM để có được cái nhìn tổng quan và sự so sánh tương đối.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ