6 thay đổi quan trọng liên quan đến sổ đỏ có hiệu lực từ 2021

04:52 16/01/2021

Từ 8/2/2021, 6 thay đổi liên quan đến việc cấp mới/cấp lại sổ đỏ, thời gian, địa điểm cũng như chi phí làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng đất vẫn chưa hiểu rõ, thậm chí không nắm được những thông tin này, tương lai có thể phát sinh những tranh chấp đáng tiếc.

Dach sách địa chỉ sang tên sổ đỏ tại tp Hà nội

 

1. Được chọn thời gian, địa điểm làm sổ đỏ, kể cả tại nhà

 

Đây là điểm đáng chú ý nhất trong Nghị định 148/2020/NĐ-CP, cho phép người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được làm sổ đỏ với thủ tục nhanh gọn, đơn giản ngay tại nhà. Cụ thể:

 

- Tùy theo nhu cầu, người dân có thể lựa chọn thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai/tài sản gắn liền với đất, cấp/cấp đổi/cấp lại giấy chứng nhận, chỉ cần thỏa thuận trước với Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có đất. Lưu ý, việc thỏa thuận và giải quyết thủ tục này không được quá thời gian thực hiện thủ tục do UBND tỉnh quy định.

 

- Địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa thì thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa, trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận tại địa điểm ngoài trụ sở Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

 

Có thể thấy quy định khá cởi mở này sẽ giúp ích rất nhiều cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện để họ thực hiện việc xin cấp sổ đỏ mà không mất quá nhiều công sức, thời gian chờ đợi, đến làm thủ tục tại các cơ quan chức năng như trước đây. 

 

2. Thêm cơ quan được quyền cấp/cấp đổi/cấp lại sổ đỏ

 

Cũng theo Nghị định 148/2020/NĐ-CP, từ 8/2/2021 sẽ có thêm một cơ quan có thẩm quyền cấp / cấp đổi / cấp lại sổ đỏ đó là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (theo quy định hiện hành thì chỉ có Văn phòng đăng ký đất đai). Như vậy, với việc bổ sung này thì kể từ 8/2/2021, Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đều là những cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp / cấp đổi / cấp lại sổ đỏ nhà đất.

 

Trường hợp địa phương đó chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nơi thực hiện các thủ tục nêu trên là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh/huyện. Trong đó:

 

- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ xin cấp / cấp đổi / cấp lại sổ đỏ của các tổ chức, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

 

- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ xin cấp / cấp đổi / cấp lại sổ đỏ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

 

3. Thêm 01 loại giấy tờ để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở với hộ gia đình, cá nhân trong nước

 

Pháp luật hiện hành quy định hộ gia đình, cá nhân trong nước muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì phải có giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng (theo Điểm a Khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

 

Tuy nhiên, theo quy định mới của nghị định 148 có hiệu lực từ 8/2/2021, hộ gia đình, cá nhân trong nước muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì phải có giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng. Như vậy, điểm mới của quy định này đó là việc công nhận cả giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn, hay còn được gọi là giấy phép xây dựng tạm. 

 

Bên cạnh giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn, các giấy tờ khác để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành, cụ thể bao gồm: Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước từ trước ngày 05/7/1994; Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết (nếu có)…

 

4. Mở rộng điều kiện cấp Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở

 

Theo quy định cũ tại điểm a Khoản 1 Điều 32 Nghị định 43/2014, một trong những điều kiện để hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư được cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở đó là: Phải có giấy phép xây dựng công trình (trường hợp phải xin phép xây dựng theo quy định của pháp luật). 

 

Tuy nhiên, theo quy định mới, điều kiện trên đã được nới rộng hơn, theo đó công nhận cả giấy phép xây dựng công trình có thời hạn. Như vậy, từ 8/2/2021, hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư phải có giấy phép xây dựng công trình hoặc giấy phép xây dựng công trình có thời hạn (đối với trường hợp phải xin phép) để được cấp chứng nhận quyền sở hữu. 

 

5. Dồn điền đổi thửa không còn được cấp đổi sổ đỏ

 

Dồn điền đổi thửa là việc hộ gia đình/cá nhân đổi quyền sử dụng đất một hay nhiều mảnh đất nông nghiệp của mình cho một hay nhiều hộ gia đình/cá nhân khác nhằm tập hợp các mảnh đất nông nghiệp thuộc quyền sử dụng của mình thành một hệ thống (một dải đất rộng), trên cơ sở đó canh tác đất nông nghiệp được thuận tiện, hiệu quả hơn. 

 

Theo quy định cũ, một trong những trường hợp được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khi thực hiện dồn điền đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất. Tuy nhiên, từ ngày 8/2 tới đây, dồn điền đổi thửa sẽ được cấp sổ đỏ mới thay vì cấp đổi như trước. Thủ tục xin cấp mới sổ đỏ đất khi dồn điền đổi thửa được thực hiện theo các bước như sau:

 

Bước 1: Người sử dụng đất chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ chính như đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ cá nhân (sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân), sổ đỏ đã cấp, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật...

 

Bước 2: Người sử dụng đất đem nộp hồ sơ trên tại văn phòng đăng ký đất đai. Cơ quan này sẽ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và tiếp nhận xử lý nếu hồ sơ đầy đủ đúng theo quy định. 

 

Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai chuẩn bị hồ sơ để Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện cấp sổ đỏ cho người đã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi có sổ đỏ mới sẽ tiến hành trao cho người sử dụng đất, đồng thời cập nhật, chỉnh lý thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của địa phương. 

 

6. Cấp sổ đỏ mới khi dồn điền đổi thửa trong trường hợp đất bị thế chấp

 

Để thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ mới trong trường hợp này, người sử dụng đất phải nộp bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho văn phòng đăng ký đất đai. Cơ quan này có trách nhiệm thông báo về trường hợp này cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp để xác nhận việc đăng ký thế chấp. Việc trao sổ đỏ mới sẽ được thực hiện đồng thời giữa 3 bên gồm: Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất và tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. 

Người sử dụng đất sẽ ký và nhận sổ đỏ mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho tổ chức tín dụng nơi đang nhận thế chấp. Đồng thời, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trao lại sổ đỏ cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.

Theo batdongsan

Chia sẻ