4 chiêu lừa đảo qua hợp đồng mua bán nhà đất

11:28 19/10/2022

Chiêu trò lừa đảo mua bán đất bao giờ cũng tinh vi và người mua khó có thể nhận biết được. Thậm chí, các hợp đồng giao dịch có chữ ký bán nhà đất cũng không thể chứng thực tính pháp lý. Vì thế, bạn cần tìm hiểu kỹ các chiêu thức lừa đảo hợp đồng để nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản của mình.

Hợp đồng cọc nhà đất

 

Hợp đồng cọc chủ yếu do bên bán biên soạn với các điều khoản được biên soạn mang tính cá nhân. Hợp đồng cọc chỉ là một thỏa thuận dân sự thể hiện thương lượng giữa người bán và người mua. Thế nên, hợp đồng cọc nhà đất khá sơ sài, không có cơ sở pháp lý cao nên tính cam kết yếu và nửa vời. Ngoài ra, hợp đồng này có thời gian ngắn hạn do đó tiềm ẩn rủi ro rất lớn. 

 

Hợp đồng cọc thường sử dụng phổ biến tại các khu vực đang có “sốt đất”, hoặc các dự án phân lô bán nền. Quá trình thực hiện giao dịch “cọc” này cũng đơn giản, có nhiều kẽ hở và lợi thế cho kẻ lừa đảo. Đây chính là lý do vì sao những người mua không có kinh nghiệm, thiếu kiến thức về pháp lý rất dễ bị lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

 

Mua bán nhà đất qua hợp đồng góp vốn

 

Hợp đồng góp vốn hay còn được gọi là hợp đồng thỏa thuận, hợp đồng hợp tác đầu tư. Tính chất của các hợp đồng này đều thuộc hợp đồng dân sự nhằm mục đích huy động vốn. Nguồn vốn này sẽ được chủ đầu tư sử dụng triển khai các tiện ích hạ tầng của dự án. Thông thường, các chủ đầu tư thường sử dụng dụng hợp đồng góp vốn trong giai đoạn dự án đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý. Thế nên, giá bán các sản phẩm thời điểm này luôn rẻ hơn mức giá thị trường.

 

Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi ký loại hợp đồng này để tránh rơi vào bẫy của các tay lừa đảo, hay bị chiếm dụng vốn mà không thể ngờ tới. Bởi vì, đây chỉ là hợp đồng góp vốn, không phải hợp đồng mua bán nên sản phẩm cuối cùng thường không hoàn chỉnh. Nếu dự án xây dựng bị vi phạm pháp luật thì hợp đồng góp vốn sẽ bị vô hiệu nên người mua phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.

 

Hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất

 

Hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất là một dạng bên bán ủy quyền cho bên mua quyền hạn tương đương như người đứng tên trên sổ. Cụ thể, người mua có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nhà đất như quyền mua bán, cho tặng, thế chấp, cầm cố,…  Do đó, nhiều người vẫn cho rằng giấy ủy quyền có thể thay thế hợp đồng mua bán nhà đất hay sổ hồng.

 

Nhưng thực tế, hợp đồng ủy quyền có giá trị và tính bảo đảm thấp. Trường hợp, bên mua hoặc bên bán trong hợp đồng ủy quyền qua đời, bị tâm thần, nghiện ma túy dẫn đến mất năng lực dân sự thì hợp đồng ủy quyền đương nhiên chấm dứt. Nhà đất vẫn thuộc về người đứng tên trên sổ - chủ cũ, nếu như chưa làm thủ tục sang tên.

 

Hoặc rủi ro cao hơn, hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất có thể bị thể được chấm dứt đơn phương. Người bán có thể yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, trong khi tiền thì đã nhận rồi. Vì thế, mua bán nhà đất qua hợp đồng ủy quyền tuy nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như vậy người mua sẽ mất quyền sở hữu nhà, ra đi “trắng tay”.

 

Hợp đồng nhà đất qua vi bằng

 

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hiểu một cách đơn giản là các hành vi có giá trị làm bằng chứng như hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh.

 

Trong giao dịch liên quan đến nhà đất, vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Do đó, hình thức vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

 

Không ít môi giới đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua để thực hiện hợp đồng mua bán nhà đất qua vi bằng nhằm mục đích gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi. Thời gian qua, vụ việc này đã xảy ra phổ biến tại các quận, huyện vùng ven thành phố. Nhiều người đã mua phải nhà đất “dính” tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn với đầy rẫy rắc rối vây quanh.

 

Để lật tẩy các chiêu trò lừa đảo hợp đồng mua bán nhà đất, người mua cần ghi nhớ rằng điều sau đây:

  • Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở, các loại hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (trong đó có nhà ở, nhà ở thương mại) phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
  • Hợp đồng mua bán nhà đất viết tay hoàn toàn không có giá trị pháp lý theo quy định của Pháp lý và khó giải quyết khi xảy ra các vấn đề tranh chấp.
  • Chú ý các điều khoản trong hợp đồng mua bán nhà đất xem có đúng những gì như hai bên đã thỏa thuận hay không là bước hết sức quan trọng của quá trình mua bán.
  • Cần tìm hiểu kỹ càng thông tin chi tiết về nhà đất, đặc biệt là khi mua bán nhà đất với người quen. Tránh trường hợp chủ quan mà không cập nhật giá nhà đất hoặc thủ tục, quy định mới nhất của pháp luật hiện hành,…

 

Tốt nhất trong giao dịch mua bán nhà đất nếu chưa có kinh nghiệm, bạn hãy tìm đến các đơn vị tư vấn luật để được cung cấp đầy đủ thông tin và nhận được sự bảo hộ của pháp luật.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ