Vành đai 3 đẩy nhanh tiến độ bàn giao, tạo đà tăng trưởng cho thị trường BĐS miền Nam
TP.HCM đang đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến Vành đai 3 đoạn đi qua địa bàn vào tháng 6/2023, thay vì cuối năm 2023 như đề ra. Thành phố cũng quyết tâm phải bồi thường đúng nhất, tốt nhất, nhanh nhất và áp giá đền bù sao cho tốt nhất với người dân. Thông tin này đã tạo đà tăng trưởng cho BĐS miền Nam, đặc biệt là các khu vực có dự án dọc theo vành đai.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù
Chiều ngày 16/10, tại huyện Hóc Môn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cùng các địa phương trên địa bàn có dự án đi qua (TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) ký kết giao ước thi đua, quyết tâm đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 đoạn qua Thành phố.
Riêng địa bàn dự án đi qua hiện có 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng. Quá trình bồi thường sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/12/2022 và chia làm các mốc thời gian quan trọng như sau:
- Tháng 4/2023 sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp
- Tháng 5/2023 bàn giao khoảng 300 ha mặt bằng cho chủ đầu tư
- Tháng 7/2023 sẽ chi trả bồi thường đất ở cho người dân
- Tháng 8/2023 bố trí tái định cư, thu hồi mặt bằng
- Trước 30/12/2023 bàn giao mặt bằng khoảng hơn 400ha để chủ đầu tư có thể triển khai xây lắp vào năm 2024.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng để công tác GPMB dự án vành đai 3 trở thành kiểu mẫu, trước 30/6/2023, phải có ít nhất 70% mặt bằng sạch, đủ điều kiện khởi công dự án. Đồng thời, các vấn đề chính sách, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp và các nhu cầu khác của người dân phải được nắm bắt kịp thời và xử lý nhanh chóng.
Hiện tại, thành phố đã phê duyệt ranh dự án, đơn vị phối hợp các bên liên quan triển khai cắm mốc ranh giải phóng mặt bằng ở dự án. Dự kiến đến ngày 20/10, toàn bộ hơn 1.900 cọc được cắm xong để bàn giao ranh dài hơn 47 km cho 13 phường, xã, thuộc 4 địa phương tuyến đi qua.
Tạo động lực tăng trưởng cho thị trường BĐS miền Nam
Như vậy, theo khoảng thời gian quy hoạch đã đề ra, dự đoán từ tháng 12/2022 đến 6/2023 sẽ là chu kỳ tăng giá bất động sản tại các khu vực có Vành đai 3 đi qua. “Đường tới đâu, bất động sản lên tới đó", nhất là khi Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM vừa cho biết đơn giá bồi thường tạm tính cho dự án Vành đai 3 TPHCM. Trong đó, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm từ 3,8-8,2 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp trồng cây hằng năm từ 3,2-6 triệu đồng/m2, đất ở qua khảo sát là từ 18,7 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Đây là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư bất động sản có tầm nhìn dài hạn. Vì xét về giá trị lâu dài, khu vực này sẽ là thỏi nam châm hút sự dịch chuyển nguồn cầu trên thị trường. Bởi các dự án bất động sản chạy dọc vành đai đang thừa hưởng nền hạ tầng "khủng" và lợi thế đột phá về khả năng kết nối cùng tương lai sầm uất, nhộn nhịp.
Các dự án bất động sản đang hưởng lợi trực tiếp từ đường vành đai 3 tiêu biểu phải kể đến như: Vinhomes Grand Park, MT Eastmark City, Đông Tăng Long, Palm Marina, The 9 Stallars…
Với mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026, Vành đai 3 được kỳ vọng sẽ như một “bếp sưởi làm ấm” thị trường, tạo động lực tăng trưởng cho BĐS khu vực. Đặc biệt, kết nối mở rộng không gian, phát triển giao thông, hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi hình thành cụm các đô thị vệ tinh, từng bước thay đổi diện mạo đô thị, nâng tầm giá trị BĐS của cả miền Nam.
Mỹ Lệ