Thị trường BĐS giảm 30%, nhà đầu tư ngại xuống tiền

02:33 08/08/2022

Các chính sách kiểm soát về tín dụng, lãi suất cho vay tăng, mặt bằng giá đang neo cao sẽ tác động đến giá bất động sản. Theo các chuyên gia dự đoán, giá có thể giảm đến 30% khiến tâm lý đầu tư trên thị trường bất động sản dao động.

Thị trường BĐS đang lơ lửng

 

Mới đây, tại hội thảo Xu hướng thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022, Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố.

 

Nhìn lại thị trường 2 năm qua, phần lớn giao dịch bất động sản đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở. Thị trường BĐS đang ở trong trạng thái "chân không tới đất, đầu không tới trời".

 

Nguyên nhân trực tiếp đến từ tình trạng lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại; thanh khoản giảm rõ rệt; chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân. Các kênh huy động vốn yếu và thiếu khiến nhà đầu tư dần mất niềm tin…

 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định: Giá bất động sản sẽ giảm đi 30% nhưng không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi. Cụ thể, đối với nhà ở, dòng tiền dễ chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc mà nhu cầu để ở thực rất cao.

 

Trong thời gian tới, 6 tháng cuối năm là thời điểm thị trường đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng: lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.

 

Nhà đầu tư thiếu tự tin xuống tiền

 

Dòng tiền khó trong hơn nửa đầu năm 2022 đã khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên. Đơn cử, Ông Lê Đình Kỳ (ngụ quận 7, TP.HCM) một người chuyên đầu tư nhà phố cho biết: “Phần lớn ngân hàng từ chối cho vay bất động sản do không còn room tín dụng, ngân hàng nào còn room thì lãi suất cho vay cao “ngất ngưởng”. Dù rất muốn thu gom, nhưng tôi không đủ tiền để săn hàng thường xuyên như trước, do đó cũng không có hàng để bán ra.”

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy sản phẩm giá tốt ở thời điểm này để mua, nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì nên cân nhắc kỹ càng.

 

Trước thực trạng trên, thị trường đang có lợi cho những chủ đầu tư có nguồn lực về tài chính và có chiến lược phát triển bền vững sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Ngược lại, các chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay, không có quy trình phát triển bền vững thì gặp nhiều khó khăn. Về khía cạnh người mua nhà, việc siết tín dụng có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng, sẽ giúp người có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn. 

 

Câu chuyện siết hay “chuẩn hóa” tín dụng bất động sản khiến tâm lý các nhà đầu tư dao động cũng như củng cố thêm tâm lý e dè của người mua nhà. Nếu các vấn đề trên không được tháo gỡ, thị trường có thể có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra “mềm” hơn.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ