Thanh Hóa đạt gần 30% nguồn thu từ đất nhưng vẫn có nhiều dự án “treo”

02:43 16/10/2022

Trong 9 tháng đầu năm 2022, nguồn thu từ đất đai (thu tiền sử dụng đất) đạt 10.603 tỷ đồng, chiếm 26,96% trên tổng Ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nghịch lý khi Thanh Hóa vẫn có nhiều dự án “treo” thành bãi thả trâu bò.

 

Con số ấn tượng từ nguồn thu đất đai

 

Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, tổng thu Ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 39.326 tỷ đồng, vượt 39,7% dự toán tỉnh giao, tăng 56,5% so cùng kỳ. Đáng kể, nguồn thu từ đất đai (thu tiền sử dụng đất) lại chiếm tới 26,96% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022. Đây được xem như điểm sáng trong bức tranh kinh tế và thị trường BĐS Thanh Hóa.

 

Đáng kể, bất chấp thị trường khó, Thanh Hóa vẫn ghi nhận con số nguồn cung tăng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Hàng chục đến hàng nghìn héc-ta được chính quyền phê duyệt nhanh chóng, tập trung ở các địa bàn như TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Đông Sơn, huyện Hà Trung, Thường Xuân và huyện Quảng Xương…

 

Nổi bật hơn cả khi các đề án được quy hoạch tại các khu vực này đều thuộc quyền sở hữu của các “ông lớn” như Sun Group (dự án Sun Grand Boulevard), Flamingo (Tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo Hải Tiến), Tập đoàn T&T (Khu du lịch sinh thái Tân Dân), Sao Mai (Khu đô thị Sao Mai Xuân Thịnh), Đất Xanh Miền Bắc (Sun Grand Boulevard), BRG (Sân golf quốc tế cao cấp), TNG (TNG Hà Long Golf & Resort),…

 

Khi các dự án trên tung hết sản phẩm ra thị trường ước tính phải đến hàng chục nghìn. Trước nguồn cung dồi dào nhưng giá các phân khúc đất nền, shophouse, biệt thự vẫn ở mức khá cao từ 20 - 55 triệu/m2 phụ thuộc vào vị trí dự án.

 

Nhiều nguy cơ đặt ra 

 

Trái với tín hiệu tích cực từ nguồn cung dồi dào hay các con số báo cáo ấn tượng, thị trường Thanh Hóa lại bị rơi vào tầm ngắm của dư luận. Không ít các câu hỏi đặt ra liệu chính quyền tỉnh đã thật sự thanh lọc mạnh mẽ thị trường? Liệu có trong việc chấp thuận phê duyệt các dự án nhà ở thương mại, đất nền, du lịch nghỉ dưỡng... hay không? Nhiều dự án mọc lên “như nấm sau mưa” nhưng tính thanh khoản các sản phẩm như thế nào? Có nguy cơ “bội thực” khi cung vượt cầu?

 

Bởi hiện tại giá bất động sản tại các điểm “nóng” nhà đất từ đà đi lên chuyển sang đi ngang, thậm chí đi xuống, rớt giá thê thảm. Nhiều cá nhân đang cố gắng thu hồi vốn chấp nhận cắt lỗ có thể từ 10 - 20%, đồng thời sẵn sàng chi tiền hoa hồng cho môi giới với mức cao hơn để thoát được hàng. Chưa kể, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, giao dịch khó, nhiều người bị mắc kẹt khiến các nhà đầu tư không thể xuống tiền.

 

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chỉ chăm chăm bán đất thu về lợi nhuận mà chưa chú trọng khâu xây dựng hoàn thiện hạ tầng. Thậm chí, nhiều dự án trở thành bãi đất trống bỏ hoang hóa và thành nơi chăn thả trâu bò. Các dự án treo trên diện rộng cũng làm “thui chột” môi trường đầu tư của địa phương. Nghịch lý thay, nhiều nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư thật không với được tới đất, nhưng những nhà đầu tư khiếm khuyết năng lực lại dễ dàng có đất rồi để hoang.

 

Điều này cho thấy những hệ lụy tiêu cực trong việc phê duyệt đất đai ồ ạt không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch hạ tầng, chỉnh trang diện mạo đô thị của khu vực mà còn gây mất niềm tin trong nhân dân. Nhiều người bị thu hồi đất đã làm đơn khiếu nại đòi lại đất cũ vì việc thu hồi đất không đúng với những gì chính quyền đã nói về dự án đầu tư cần đất của người dân. 

 

Cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt chủ đầu tư và mạnh dạn thu hồi dự án chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Quan trọng hơn, Thanh Hóa cần có những dự án, những chủ đầu tư đủ tiềm lực để tương xứng với những giá trị và tiềm năng đang có của địa phương.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ