Quy hoạch phát triển đô thị ven sông tại HCM và Hà Nội

10:21 24/07/2022

Đô thị ven sông thực tế đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thực tế chứng minh, nhiều khu vực đô thị có vị trí nằm giữa bờ biển và dòng sông chảy ngang qua, tạo nên hình thế khác biệt với nhiều giá trị vượt trội.

 

Lợi thế từ tiềm năng đô thị ven sông

 

Hơn 10 năm trở lại đây, những khu vực có vị trí chiến lược gần sông như một thỏi nam châm, thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển dự án về đầu tư. Lợi thế từ các đô thị ven sông khi dễ dàng tạo nên các loại hình sản phẩm khác nhau để đa dạng hóa sản phẩm, danh mục đầu tư; sản phẩm làm ra dễ dàng được thị trường hấp thụ; tập trung dân cư sinh sống do khí hậu thường mát mẻ, dễ chịu…

 

Nhất là trong bối cảnh “bùng nổ” đô thị hóa và dịch bệnh bùng phát, xu hướng rõ nét về sự dịch chuyển nhu cầu của người dân ở lĩnh vực bất động sản là phải đáp ứng được nhu cầu sống an toàn và thoải mái trong. Giải pháp về không gian sống hài hòa môi trường, thoáng đãng, rộng rãi hết sức bức bách. Nhu cầu làm việc từ xa, văn phòng làm việc đáp ứng các tiêu chí trên cũng rất lớn. Những đô thị sông, biển dễ dàng đáp ứng các nhu cầu này một cách hết sức tự nhiên.

 

Mới đây nhất, đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045” được TP.HCM phê duyệt vào đầu năm 2022; Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống được UBND TP. Hà Nội công bố ngày 5/4 vừa qua được các chuyên gia kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị dọc bờ sông của hai thành phố lớn, vốn có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác và đầu tư tương xứng.

 

Sự quy hoạch phát triển đô thị ven sông tại HCM và Hà Nội góp phần hướng đến xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc hai bờ sông lớn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó với ngập lụt, biến đổi khí hậu, chống sạt lở cho thành phố.

 

Bản sắc di sản của đô thị ven sông

 

Bình luận về sự xu hướng phát triển đô thị ven sông, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam khẳng định: “Các kế hoạch này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” khi thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với thiên tai, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện với môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại.

 

Giống như sông Sài Gòn, sông Hoàng Phố cũng được coi là trái tim của Thượng Hải và người dân. Việc quy hoạch đồng bộ cho toàn khu vực đã giúp người dân cũng như các du khách một lần nữa được kết nối với dòng sông và các di sản văn hóa tại thành phố này.

 

Nét đẹp của sông Sài Gòn chính là có lục bình trôi từ nguồn đổ về rất êm đềm. Cùng với đó, hệ sinh thái chim chóc, cây cối 2 bên xanh mát tạo ra cảnh sắc yên bình giữa lòng thành phố. Thời gian qua, chủ trương phát triển cũng đã có nhiều nhưng việc thực hiện lại có giới hạn, giá trị sông Sài Gòn đến nay vẫn chưa được khai thác triệt để.

 

KTS. Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM đánh giá, đô thị ven sông Sài Gòn, nếu phát triển cũng cần giữ được tính lịch sử của 2 bên bờ sông - một cái cũ và một cái mới, nghĩa là giữ được một bên là lịch sử, một bên là tương lai để khai thác tốt thế mạnh về du lịch cảnh quan đô thị. Các quy hoạch cũng cần hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành một hệ sinh thái hoàn thiện 2 bên bờ sông.

 

Tương tự như thế, việc quy hoạch hình thành đô thị ven sông Hồng Hà Nội như đang tô điểm cho bức tranh của thời gian, sự giao thoa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống và nét bản sắc thời đại. Đô thị ven sông đang tạo điều kiện phát triển không gian đặc trưng hành lang xanh với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải tr. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ