Nới room tiếp sức, đảo chiều thị trường bất động sản năm 2023

09:13 15/12/2022

Mới đây, đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% nhằm tháo gỡ phần nào những điểm nghẽn của thị trường. Song song đó, thị trường cũng bắt đầu đón nhận các dấu hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ đảo chiều vào năm 2023.

 

Nới room tín dụng tiếp sức thị trường

 

Vào chiều ngày 8/12, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra những thảo luận, góc nhìn thực tế về tình hình thị trường hiện tại. Trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế, thị trường bất động sản có khả năng trượt vào suy thoái khi sức mua và thanh khoản giảm mạnh; thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

 

Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng theo các chuyên gia, Nhà nước đang xây dựng các giải pháp phù hợp về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Minh chứng rõ nhất là vào ngày 6/12, room tín dụng đã được nới thêm 1,5 - 2%, thêm khoảng 200.000 tỷ đồng vốn cho nền kinh tế, tiếp sức cho người dân đang có nhu cầu mua ở thực cũng như để "xốc" lại thị trường bất động sản.

 

Các nhà đầu tư, người mua nhà, hay ngay cả các doanh nghiệp địa ốc đều đang rộng cửa trong tiếp cận dòng vốn ngân hàng. Điển hình như anh Tuấn đang sinh sống và làm việc tại Hồ Chí Minh chia sẻ, gia đình anh đã đặt cọc 70 - 80% giá trị hợp đồng một căn nhà ở Quận 9. Hiện tại, anh chỉ còn thiếu 20 - 30% để có thể nhận nhà. Trong lúc khó khăn, may mắn đúng lúc ngân hàng nới room tín dụng, anh Tuấn tạm thời xoay sở được một nửa để gia đình anh kịp có một tổ ấm trước thềm Tết Nguyên Đán. 

 

Từ đó có thể thấy, việc các ngân hàng nên xem xét thêm để tạo điều kiện giải ngân cho những dự án hiệu quả cao, hướng tới người mua để ở thật, có khả năng trả nợ, là điều hết sức cần thiết trong thời điểm này. Đây sẽ là động lực để "khơi thông" cho thị trường và đem đến các tín hiệu khả quan cho doanh nghiệp.

 

Tín hiệu thị trường đảo chiều vào năm 2023

 

Trên cơ sở đó, thị trường bất động sản 2023 được kỳ vọng sẽ là dấu mốc cho sự đảo chiều. Bởi ngoài các động thái quyết liệt từ Chính phủ, thị trường còn được thúc đẩy trực tiếp từ các nhân tố khác.

 

Thứ nhất, nhu cầu mua nhà của người dân vẫn cao, ước tính chỉ trong quý IV/2022, lượt tìm mua bất động sản tại TP.HCM tăng 18% so với quý I/2022 và mức độ quan tâm tới bất động sản cho thuê tăng 103% so với đầu năm. Điều này chứng tỏ, thị trường TP.HCM đang có tốc độ hồi phục mạnh mẽ sau một khoảng thời gian trầm lắng. Đồng thời, trong Báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam cũng ghi nhận, 70% hộ gia đình có thu nhập 40 - 70 triệu vẫn mua thêm ít nhất 1 bất động sản, hơn 60% những người chưa có nhà cho biết họ sẽ mua trong vòng 1 năm tới. Như vậy, nhu cầu mua nhà, đất để ở và đầu tư của người dân đã và sẽ luôn ở mức cao.

 

Thứ hai, thị trường bất động sản vào quý I và quý II của năm 2023 sẽ tiếp tục đón dòng tiền đổ mạnh từ FDI. Trong 9 tháng qua với hơn 3,5 tỷ USD, lĩnh vực bất động sản đang giữ vị trí thứ 2 hạng mục các ngành thu hút vốn FDI, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, dòng vốn FDI “chảy vào” lĩnh vực bất sản đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…đang nhắm đến nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam, từ khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở, cho đến bán lẻ và khách sạn. Bên cạnh đó, các hoạt động tái cấu trúc và M&A đã diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022, sẽ tiếp bùng nổ trong năm 2023. Đây là dòng tiền được đánh giá góp phần tạo sức ấm cho thị trường địa ốc.

 

Vì vậy, bối cảnh hiện tại vẫn mang đến cơ hội đầu tư dài hạn khá hấp dẫn có sự quan tâm đến phân khúc bán lẻ, hoặc có ý định đầu tư vào các trung tâm thương mại ở ngoại ô cũng như tại các trục đường chính kết nối với các tuyến vành đai.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ