“Mặc kệ” thị trường khó, nguồn cung và giá bất động sản TP.HCM vẫn tăng

02:36 20/10/2022

Mặc dù gặp điểm nghẽn về dòng vốn, thị trường thanh lọc mạnh mẽ nhưng TP.HCM vẫn ghi nhận nguồn cung và tăng giá ở phân khúc bất động sản cho thuê, căn hộ, nhà xây sẵn. Thậm chí, nhịp tăng giá càng cao khi dịch chuyển về các khu vực vùng ven như Thủ Đức, Củ Chi, Nhà Bè,...

Tổng quan thị trường 9 tháng đầu năm gần như không có nguồn cung mới, tuy nhiên TP.HCM vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường thứ cấp cũng như sự dịch chuyển làn sóng tăng giá tại các khu vực phụ cận thành phố.

 

Đối với phân khúc căn hộ, báo cáo CBRE cho thấy, nguồn cung sơ cấp trong quý giảm còn 6.600 căn, giảm 51% so với quý II/2022. Tuy nhiên, giá căn hộ sơ cấp vẫn ghi nhận tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, thị trường thứ cấp có mức tăng giá đáng kể, trung bình từ 20-25%/năm, có những khu vực như Tp.Thủ Đức, quận 7 mức tăng ghi nhận 30%/năm.

 

Đánh giá chung về thị trường, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, “ dẫu nguồn cung sơ cấp hạn chế, nhu cầu mua căn hộ trên thị trường vẫn khá lớn khiến giá thứ cấp biến động tăng. Thời điểm này, thị trường BĐS gặp khó khăn, nhu cầu đầu tư chững lại nhưng nhu cầu mua để ở thực lại tăng lên. Đây là lý do mặt bằng giá thứ cấp căn hộ vẫn chiều hướng đi lên”.

 

Còn đối với phân khúc căn hộ sơ cấp nhà ở xây sẵn, nguồn cung sơ cấp cũng tăng đến 69% theo quý, ước tính đến 18 tỷ đồng cho một căn. Đặc biệt, nguồn cung sơ cấp nhà ở xây sẵn còn xuất hiện cả nguồn cung mới chiếm đến 75% tập trung ở các quận huyện ly tâm như TP. Thủ Đức (41%), Bình Chánh (23%) và Bình Tân (10%). Ngoài ra, sản phẩm ở các tỉnh lân cận đạt tỷ lệ hấp thụ lên đến 72%, cao hơn 23 điểm phần trăm so với tỷ lệ hấp thụ tại TP.HCM. Nguyên nhân chính nằm ở các sản phẩm của các thị trường lân cận có giá rẻ hơn từ 88 đến 100 triệu đồng/m2 đất, thấp hơn 70% so với nhà ở tại TP.HCM.

 

Song triển vọng và tiềm năng lớn hơn so với hai phân khúc trên vẫn phải nhắc đến thị trường cho thuê. Hiện tại, nhu cầu thuê tại TP.HCM tăng đến 70%, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ chiếm tỷ lệ áp đảo. Giá thuê trung bình đạt 48,3 USD/m2/tháng (tương đương 1,1 triệu đồng), tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Giá cho thuê nhà ở căn hộ cũng đồng loạt tăng tại những khu vực có mật độ chung cư dày như quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Giá thuê cũng đồng loạt tăng từ 12%-16% so quý trước. Theo ông Hoàng Phúc, quản lý khu nhà trọ 38 phòng ở đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh, TP HCM), khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ông hạ còn 2,5 triệu đồng/tháng. Còn thời điểm hiện tại, một căn phòng trọ ông thu 3-3,5 triệu đồng/tháng. Dù giá thuê quay trở lại có tăng cao so với trước nhưng hễ có phòng trống là có khách hỏi thuê ngay.

 

Làn sóng tăng giá cho thuê cũng dịch chuyển sang các quận, huyện vùng ven TP HCM khi nhu cầu thuê trọ của công nhân đã tăng mạnh trở lại với tỉ lệ thuê lấp đầy từ 95-100%. Trong khi giai đoạn đầu năm chỉ 20%-30%, thế nên, giá thuê phòng trọ theo đó cũng tăng 20%-30% so với trước.

 

Từ các con số biết nói trên, các chuyên gia nhận định rằng, dù tín dụng siết chặt và lãi suất tăng nhưng nhu cầu ở thật hay nhu cầu thuê vẫn chưa có nguồn cung tương xứng để đáp ứng. Nhất là khi các hoạt động du lịch đang được mở cửa mạnh mẽ, thu hút khách quốc tế sẽ thúc đẩy các dịch vụ liên quan đến nhà ở, mặt bằng bán lẻ, văn phòng gia tăng. Do đó, trong thời gian tới, xu hướng nhà phố kết hợp kinh doanh hoặc sở hữu mặt bằng lớn sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ