Giá đất vùng ven “nhảy múa” tăng giá nhưng không hề phi lý

11:32 10/08/2022

Bất chấp sự chênh chao của thị trường, nhiều quận huyện ở Hà Nội rầm rộ tổ chức đấu giá đất. Tình trạng này đã thiết lập thêm mặt bằng giá mới cho đất vùng ven, có nơi cao kỷ lục lên gần 100 triệu đồng/m², tăng gấp 2-3 lần so với quý I/2022.

Từ năm 2021 đến đầu năm 2022, các đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội liên tục diễn ra các cơn "sốt đất". Nhiều khu vực giá đất tăng mạnh, thậm chí có nơi đã tăng gấp 2 - 3 lần so với cuối năm 2021. 

Khoảng 3 tháng trở lại đây, tại Hà Nội, các khu vực như Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Sóc Sơn, Hoài Đức,... đã tổ chức đấu giá đất. Lô đất có mức giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m², tương đương gần 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một lô góc có mức giá trúng đấu giá là 87,2 triệu đồng/m², tương đương 16,8 tỷ đồng, chênh 8,3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

 

Còn theo ghi nhận DKRA Vietnam tại thị trường TP.HCM,  đất nền vùng phụ cận tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực. Cụ thể, giá bán sơ cấp tại Long An tăng 4 - 6%, dao động 14,1 - 36,3 triệu đồng/m2; Bình Dương tăng 3 - 5%, dao động 11 - 52 triệu đồng/m2; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 4 - 7%, dao động 15 - 55 triệu đồng/m2; Tây Ninh dao động 6,1 - 7,4 triệu đồng/m2.

 

Nói về diễn biến của thị trường đất nền vùng ven, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, thành viên Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, đất nền vùng ven sẽ tiếp tục có xu hướng tăng giá trong thời gian tới.

 

Nhận định cho thấy, thời điểm cuối năm hay trong vòng 3 - 5 tới, đất nền vẫn trở thành kênh đầu tư, đón sóng thị trường. Bởi thời gian hoàn thiện dự án đất nền phân lô chính quy tỷ lệ 1/500 hay đất phân lô của người dân là rất ngắn. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận thu về cao hơn so với các phân khúc khác như chung cư hay bất động sản nghỉ dưỡng.

 

Mặt khác, giá đất tăng 2-3 lần, có tốc độ tăng nhanh và mạnh nhưng hoàn toàn hợp lý. Vì vốn dĩ đây là khu vực ngoại thành, cách xa trung tâm thành phố, giá đất khởi điểm thường ở mức thấp hoặc rất thấp. Trước nguồn cung khan hiếm, việc “sốt đất” thực chất là đang diễn ra theo nhu cầu tự nhiên của thị trường.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng quan điểm cho rằng, đấu giá đất đang thao túng thị trường. Hiện tượng “sốt đất” chủ yếu là “sốt đất tâm lý” vì nhà đầu tư nào cũng muốn đón đầu thị trường, muốn “có mặt” ở những khu vực được dự báo tăng trưởng tốt, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.

Nếu đánh giá kỹ, một số khu vực trên cả nước đang rơi vào trạng thái bị đẩy giá quá cao, ở một ngưỡng giá có thể xem là bong bóng. Việc mua đi bán lại gần như không thể thực hiện trong thời điểm thị trường đang chững lại như hiện nay. Cho nên các nhà đầu tư phải tìm thị trường mới, tìm đến những vùng đất chưa "nóng", giá vẫn đang ở ngưỡng phù hợp thì người ta "nhảy" vào đó tạo ra thị trường đầu cơ, mua đi bán lại.

 

Do đó, để “bắt mạch” được thị trường, nhà đầu tư nên chọn mua những vùng có quãng giá còn tăng dài để mua. Ví dụ mua đất quanh khu công nghiệp thì nên tránh các vùng có giá 15 - 20 triệu đồng/m2, vì sẽ khó tăng 30 - 40 triệu đồng/m2 trong 1- 2 năm. Nếu mua đất có giá 5 - 7 triệu đồng/m2 thì khả năng tăng lên 12 - 15 triệu đồng/m2 sẽ cao hơn.

 

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là pháp lý an toàn, tránh mua đất rừng, đất nông nghiệp, vì nếu không hiểu biết thì đây là loại đất sẽ siết chặt kiểm soát trong thời gian tới. Đồng thời, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu thực trạng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, dịch vụ tại khu vực.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ