Diễn biến thị trường bất động sản trong tháng 8

08:31 02/08/2022

Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm diễn biến khá phức tạp, xuất hiện những dấu hiệu lạ, cần lưu ý. Nhiều người cho rằng dấu hiệu thị trường trầm lắng để đón chu kỳ tăng trưởng mới hoặc hiện tượng “bong bóng”.

Thời điểm “đón sóng” của thị trường

 

Nửa đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái mạnh để kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS khỏi nguy cơ "bong bóng", bao gồm việc kiểm soát cả kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. 

 

Các chính sách về siết chặt nguồn vốn vào thị trường BĐS, chính sách thuế ngăn chặn chuyển nhượng 2 giá… đã khiến thị trường BĐS nói chung, đất nền nói riêng chững lại. Không chỉ vậy, việc rà soát lại thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch nhà đất cũng là một trong những lý do ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch BĐS. 

 

Bất chấp nguồn cung khan hiếm, thanh khoản giảm, giá BĐS vẫn tăng cao so với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, nguồn cung mới trong thời gian qua dù có thời điểm được cải thiện nhưng cơ bản vẫn rất thấp, thấp hơn nhiều so với 2019 trở về trước.

 

Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn và Đầu tư, Savills Hà Nội cho rằng, giai đoạn này là lúc dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc. Vẫn quá sớm để kết luận rằng tình hình BĐS sẽ tiếp tục xấu đi hay sẽ có khởi sắc sau năm 2022, nhưng chắc chắn những động thái của Chính phủ sẽ góp phần tạo nên một thị trường BĐS lành mạnh với tiềm năng phát triển bền vững.

 

Còn theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, về mặt nguyên tắc, khi giá đất bị đẩy lên mức bất thường, vượt qua đóng góp của chính nó vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân, giá đất sẽ lắng xuống và quay đầu giảm sốc.

 

Sự thay đổi nổi bật ở một vài phân khúc BĐS

 

Theo ghi nhận từ thị trường, căn hộ vẫn đang là phân khúc nhận được sự quan tâm rất lớn. Tuy nhiên, nguồn cung về nhà ở thu nhập thấp theo Bộ Xây dựng trong quý II/2022 cả nước chỉ có 3 dự án hoàn thành với 1.134 căn hoàn thành tại Kon Tum, Ninh Thuận. Trong quý II, số lượng dự án nhà ở thu nhập thấp được cấp phép mới là 4 dự án với quy mô 2.652 căn tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam.

 

Căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như "tuyệt chủng" còn căn hộ trung cấp từ 30 - 50 triệu đồng chiếm chủ đạo trên thị trường. Đặc biệt, thị trường xuất hiện căn hộ cao cấp ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với mức giá 325 triệu đồng/m2. Ở phân khúc căn hộ tại TP.HCM và các khu vực lân cận cũng có thể sụt giảm. Cụ thể, TP.HCM đạt khoảng 70% nguồn cung 6 tháng đầu năm 2022 (9,000 - 11,000 căn); Bình Dương duy trì ở mức khoảng 3.000 – 4.000 căn; Long An khoảng 300 căn; các tỉnh thành khác khan hiếm nguồn cung mới.

Đối với phân khúc đất nền vùng ven giảm dần tính thanh khoản, một số nhà đầu tư bắt đầu "quay xe" về nội đô tìm kiếm loại hình BĐS bền vững như nhà phố. Theo số liệu nghiên cứu tại TP.HCM, trong quý 2/2022, nhu cầu nhu cầu tìm mua nhà phố tăng mạnh nhất (31%), quận 3 tăng 29%, quận 5 và quận 6 đồng loạt tăng 25%, trong khi quận 2 cũng có nhu cầu tìm mua nhà phố tăng 13% so với cùng kỳ.

 

Trước sự biến động khó lường của thị trường, bất động sản hàng hiệu đang ghi nhận những tín hiệu lạc quan. Đây là phân khúc ngách trong toàn bộ thị trường bất động sản, do nguồn cung khan hiếm và mức giá cao cấp.

 

Chuyên gia Savills, Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ rằng tiềm năng của lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam nằm chủ yếu ở khách hàng nước ngoài, bởi đây là đối tượng khách hàng đã quen thuộc với các thương hiệu quốc tế nên có xu hướng lựa chọn loại sản phẩm này. 

 

Ngoài ra, thị trường này không còn là sân chơi của các thương hiệu, nhà thiết kế quốc tế, mà mở rộng cho cả những đơn vị trong nước. Các kiến trúc sư, nhà đầu tư, phát triển đang có nhiều cơ hội để thể hiện chất lượng thiết kế và xây dựng của bản thân. Việc nhiều chủ đầu tư bất động sản quy mô lớn xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua là minh chứng rõ nét của sự tiến bộ trong tài năng và chuyên môn của những đơn vị trong nước.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ