Cạn room tín dụng, thị trường bất động sản càng gặp khó

08:36 18/08/2022

Tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ chậm hơn càng về cuối năm 2022 khi mức lợi nhuận tuyệt đối của nhiều ngân hàng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm. Vì hầu hết tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng đều đến từ tín dụng, trong khi đó room tín dụng của nhiều ngân hàng đang gần cạn, thậm chí đã cạn.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản đã giảm từ trên 26% năm 2018 xuống 12% năm 2020. Đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng bất động sản tăng 12% nhưng thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung. Đến quý I/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 783.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây.

 

Theo NHNN, đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%). Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản…

 

Với thời gian vay vốn bất động sản dài hạn, NHNN lại khó kiểm soát lạm phát nên dư địa tín dụng còn lại cho 6 tháng cuối năm không nhiều, chỉ còn 4,65%. Cụ thể, các ngân hàng đang giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% năm 2021 và 12,17% năm 2020. 

 

Từ bức tranh thực tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng chất lượng tín dụng có thể chịu áp lực lớn hơn từ cuối năm 2022 đến năm 2023. Bởi rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hiện hữu. Tỷ lệ nợ quá hạn từ các khoản vay mua nhà là một điểm cần được theo dõi chặt chẽ vào năm 2023.

 

Vì trong năm 2022, lượng giao dịch người mua nhà tăng trưởng thừa hưởng chính sách ân hạn 2 năm mà không phải trả lãi và/hoặc gốc. Do đó từ năm 2023, những người mua này sẽ bắt đầu phải trả lãi và gốc. Nếu lạm phát tăng nhanh đi cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống, thu nhập khả dụng sẽ giảm đi. Điều này có thể khiến người mua nhà khó khăn hơn khi thu xếp các khoản thanh toán hàng tháng. 

 

Ngoài ra, khi thị trường khó khăn về thanh khoản, kẹt vốn, “tiền không về ngân hàng đúng kế hoạch”, cộng thêm các khoản cho vay góp vốn thành lập công ty, cho vay đặt cọc dự án hình thành trong tương lai… Rủi ro tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp  tiếp tục được theo dõi chặt chẽ. 

 

NHNN càng tỏ ra thận trọng, có thể tiếp tục giữ nguyên việc kiểm soát tín dụng và dòng vốn vào bất động sản đúng chuẩn. Những doanh nghiệp đã sử dụng vốn vay quá mức và các nhà đầu cơ vay vốn bất động sản quá mức sẽ gặp khó khăn.

 

Dự báo đối với năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm hơn so với năm 2022 và quay trở lại mức trước Covid-19 là khoảng 13 - 14% so với đầu năm. Vay tài chính tiêu dùng có thể sẽ bị ảnh hưởng. Ngược lại, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực đang phục hồi sẽ tăng trưởng tốt; với khoảng 1,2 triệu tỷ đồng sẽ được giải ngân thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ