Cần làm gì để bình ổn thị trường bất động sản cuối năm?

09:19 31/07/2022

Thị trường địa ốc đang rơi vào khủng hoảng khi tình trạng thiếu vốn trầm trọng diễn ra khắp nơi, dòng tiền mất cân đối và nhiều dự án, giao dịch tắc nghẽn. Theo chuyên gia, trong giai đoạn tới, cần thiết có các chính sách để điều tiết nhằm bình ổn thị trường.

Dấu hiệu “đổ vỡ” của thị trường

 

Các chuyên gia đánh giá, giai đoạn hiện tại không chỉ là giai đoạn thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, diễn biến chững lại mà còn là giai đoạn biểu hiện rõ nét của sự bất ổn. Biểu hiện rõ nhất qua việc thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại TP.HCM năm 2020, nhà ở vừa túi tiền chỉ chiếm 1% tổng nguồn cung nhà ở, đến năm 2021 thì xuống còn 0%. Trong khi đó, phân khúc cao cấp lại chiếm 74%, phân khúc trung cấp chiếm 26%.
 

Đặc biệt, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm đột ngột, dòng vốn chững lại. Theo FinGroup, hết tháng 6/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có giá trị phát hành đạt 27,8 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, giảm hơn 28% so với tháng trước và giảm gần 72% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp khoảng trên 180.000 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ.
 

Giải thích về các “điểm nghẽn”, sự kém sôi động của giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và các dòng vốn khác của thị trường đang im ắng, nguyên nhân một phần đến từ cơ quan quản lý nhà nước liên tục có những động thái nhằm kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực này.


TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp bất động sản đang “vật lộn” với việc cân đối và tìm kiếm nguồn vốn, thậm chí phải tính toán co hẹp quy mô phát triển dự án. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng mạnh, việc “khóa van” tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp khiến nguồn cung bất động sản bị thắt chặt, đẩy giá nhà tăng bất thường, kéo theo chi phí sản xuất các ngành liên quan, từ đó có thể gây tổn hại đến nền kinh tế vĩ mô, nhất là trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.

 

Các giải pháp tối ưu 

 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết, Nghị quyết 86 là dấu hiệu đáng mừng cho thị trường vốn nói chung và bất động sản nói riêng. Nghị quyết này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thanh lọc môi trường đầu tư, đảm bảo tính công khai, minh bạch, bền vững, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Cần thiết khuyến khích phát triển thị trường vốn, nhất là trong thời điểm ngành bất động sản đang có những khó khăn nhất định.

Nhìn nhận về thực trạng bất ổn của thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM đánh giá, hầu hết ở mọi góc độ từ pháp lý, vốn, thuế, tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả khách hàng đều có những biến động, thay đổi gây ra khó khăn chung cho toàn bộ thị trường ở giai đoạn hiện tại. 

 

Để hoàn mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phải có phương án phối hợp hiệu quả giữa tỷ giá và chính sách; nên có những định hướng về việc tháo gỡ các rào cản, xử lý các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt để nhà đầu tư phục hồi và phát triển.

 

Đồng thời để thị trường bất động sản sáu tháng cuối năm 2022 phát triển mạnh nên tập trung vào những điểm sau: Tiến hành rà soát đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, M&A, đầu tư công… để tạo những kênh cho luồng tiền vận hành vào thị trường bất động sản một cách thuận lợi nhất.

 

Trong thời gian tới các kịch bản cho thị trường có thể xảy ra: Một là, phương án chủ đạo - phương án ổn định. Hai là, phương án tăng trưởng mạnh. Nếu vốn vào có những đột biến. Nếu ngân hàng xem xét mở rộng tín dụng. Ba là, phương án suy giảm - tiêu cực. Nếu lạm phát tăng, đầu tư công không giải ngân đúng tiến độ, các doanh nghiệp lớn không có hoạt động tốt... thị trường bất động sản sẽ trầm lắng, đi vào giai đoạn điều chỉnh.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ