Bất động sản công nghiệp tạo sức hút mạnh mẽ giữa thời suy thoái
Trong bức tranh thị trường ảm đạm, xám xịt, bất động sản công nghiệp vẫn giữ vững đà tăng trưởng vươn lên như một ngôi sao sáng. Sức hút của phân khúc này được đánh giá là nguồn lực quan trọng để kêu gọi vốn nước ngoài, thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế.
Những con số “biết nói” từ thị trường
Không giống như các phân khúc khác, bất động sản công nghiệp đang chiếm nhiều ưu thế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Với tình hình an ninh, chính trị ổn định, các doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản bắt đầu chuyển dịch sang thị trường Việt Nam nhằm tránh những tổn thương từ cuộc chiến này.
Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Việt Nam đạt đến 70,9% với tổng giá trị 8,3 tỷ USD, chiếm 60% tổng mức tăng trưởng GDP cả nước. Sản lượng sản xuất tăng nhanh, ghi nhận liên tiếp các con số tăng trưởng vượt mức kỳ vọng. Cụ thể, chỉ số PMI tăng từ 51 trong tháng 7 lên 52,7 trong tháng 8; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 8 trước tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thị trường miền Bắc là một trong những “vùng trũng” đón dòng chảy đầu tư khi trở thành “sân bay” nơi “đáp cánh” của các khu công nghiệp công nghệ cao. Đơn cử như, tỉnh Quảng Ninh đón nguồn vốn hơn 498 triệu USD đến từ nhà đầu tư Jinko Solar (HongKong) cho lĩnh vực thiết bị điện tại khu công nghiệp (KCN) Amata; Bắc Giang được 2 nhà đầu tư lớn từ Singapore ( Foxconn Technology) và Trung Quốc (JA Solar Investment) rót vốn lần lượt là hơn 270 triệu USD và hơn 269 triệu USD.
Còn tại khu vực miền Nam, tỉnh nhận được vốn đăng ký mới lớn nhất là Bình Dương với khoản đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD của LEGO trong 8 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, các tỉnh thành trọng điểm phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng tàu, Đồng Nai, Long An,... cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy đạt đến 84% với giá thuê trung bình 152USD/m²/chu kỳ thuê 50 năm.
Chú trọng phát triển bất động sản công nghiệp
Dựa trên những con số “biết nói” cho thấy, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ càng nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong nước lẫn ngoài nước. Thời điểm 3 tháng cuối năm đến đầu năm 2023, phân khúc này chắc chắn còn đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực, “vượt mặt” cả bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Thế nên, nếu nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp của các dự án khác đang tìm cách “xoay vốn” thì nhà đầu tư bất động sản công nghiệp “ngồi yên” vẫn được hưởng lợi lớn từ vốn FDI.
Bởi động thái mở rộng khu công nghiệp của nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Việt Nam đang đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách mạnh mẽ. Đồng thời, chính sách pháp lý cũng như định hướng quy hoạch của các địa phương cũng đang tạo điều kiện cho phân khúc này phát triển. Không chỉ thế, các khu vực kinh tế trọng điểm tại Việt Nam còn xây dựng mức ưu đãi thuế cũng như đồng bộ, nâng cấp mạng lưới giao thông.
Với mức giá ổn định và hợp lý, đất công nghiệp được ví như “gà đẻ trứng vàng”, mang đến tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ cho các nhà đầu tư. Dưới dưới góc nhìn của nhiều nhà sản xuất và tổ chức bất động sản toàn cầu, bất động sản công nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ “sức nặng” để đặt lên bàn cân với các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ.
Mỹ Lệ