Bất động sản công nghiệp làm chủ “cuộc chơi”

02:22 23/07/2022

Với nhu cầu logistics ngày càng tăng do làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất trên thế giới sang Việt Nam, bất động sản khu công nghiệp đang nắm giữ “ngôi vương” trên thị trường. Nhiều dự án bắt đầu triển khai hoạt động xây dựng ở cả miền Bắc và miền Nam.

 

Làn sóng dịch chuyển đầu tư

 

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, ngay đầu năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam đã chào đón nhiều dự án mới. Cụ thể, thương hiệu trang sức Đan Mạch Pandora đã ký biên bản ghi nhớ xây cơ sở chế tác trang sức mới tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP) ở tỉnh Bình Dương. Tập đoàn Framas của Đức thuê một khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000 m2 tại dự án KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai). Tập đoàn Fuchs, đại gia dầu nhớt của Đức, cuối quý I công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam với động thái thuê khu đất rộng 20.000 m2 tại Khu công nghiệp chuyên dụng Phú Mỹ 3 (PM3 SIP) ở Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nhà máy mới.

 

Phân tích chung về thị trường, ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐSCN của Savills Việt Nam cho rằng, tính theo khu vực, phía Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất lên đến 1,97 tỷ USD, chiếm 64% thị phần. 

 

Tiếp theo là khu vực phía Nam với 728 triệu USD, tương đương 23% và khu vực miền Trung thu hút 395 triệu USD, khoảng 13%. Còn nếu xét theo các tỉnh, thì Bắc Giang có số vốn đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, theo sau là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Đại diện khu vực phía Nam là Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD…

 

Theo đánh giá từ các chuyên gia, làn sóng FDI mới đang bùng nổ 5 tháng nay, khi Việt Nam trở lại trạng thái "bình thường mới" và kiểm soát được Covid-19. Chia sẻ với báo chí, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, các nguồn vốn FDI mới đổ vào khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 đang có xu hướng phát triển theo hai nhánh. Thứ nhất là các ngành sản xuất và thứ hai là hậu cần phụ trợ, tức bất động sản công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, logistics.

 

Giá thuê đất khu công nghiệp tăng cùng nguồn cung

 

Theo ghi nhận của CBRE đối với một số khu công nghiệp tiêu biểu trong từng khu vực, mức giá chào thuê thậm chí có thể tăng tới 20% tại một vài dự án ở khu vực phía Bắc và khoảng 26% ở khu vực phía Nam.

 

CBRE Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, các thị trường cấp 1 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy khả quan ở mức từ 80% ở khu vực phía Bắc và 90% ở khu vực phía Nam; trong đó, năm tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương với gần 15.000ha đất công nghiệp.

 

Nhờ tỷ lệ lấp đầy khả quan, giá thuê đất trung bình ghi nhận mức tăng trưởng tại các thành phố công nghiệp chính, cụ thể ở mức từ 5-12% tại phía Bắc và 8-13% tại phía Nam so với cùng kỳ năm trước. 

 

Trong vòng ba năm tới, nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng thêm hơn 14.000ha cho cả hai thị trường; trong đó, các tỉnh công nghiệp cấp 2 sẽ lần lượt chiếm khoảng 21-42% nguồn cung miền Nam và miền Bắc. Một số khu công nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động trong nửa cuối 2022 và đầu năm 2023 đã đạt được tỷ lệ cam kết cho thuê sớm khả quan, ở ngưỡng từ 40-100% giai đoạn đầu triển khai.

 

Đặc biệt, đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh thành là Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, có tổng chiều dài 76,34 km đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào giữa tháng 6/2022. Với sự hoàn thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng, thị trường khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ đón nhận nhu cầu tích cực trong thời gian tới.

 

Trong bối cảnh này, VDSC tin rằng các chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp có sẵn quỹ đất đã đền bù giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất sẽ hưởng lợi nhiều hơn, nhờ chi phí thấp trong khi giá thuê tăng dần. 

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ