4 xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thị trường BĐS năm 2023

10:27 11/10/2022

Đối diện với những khó khăn của thị trường hiện tại, các nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng kênh đầu tư này sẽ lấy lại vị thế cân bằng, phục hồi trong năm 2023. Niềm tin vào sự đi lên của thị trường được tổng kết qua 4 yếu tố sau.

 

Bất động sản công nghiệp tăng trưởng

 

Tính đến nay, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đang có gần 11.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư lên đến 230 tỷ USD… Đa phần các nhà đầu tư đều thích mở rộng và có thị phần cao hơn ở thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới Foxconn công bố đầu tư khoảng 300 triệu USD tại Khu Công nghiệp Quang Châu ở tỉnh Bắc Giang. Tại Bình Dương, tập đoàn sản xuất trò chơi nổi tiếng Đan Mạch Lego công bố dự án 1 tỷ USD. 

 

Những con số biết nói này đang từng bước đưa Việt Nam trở thành trọng điểm sản xuất trên toàn cầu khi đón làn sóng đổ bộ của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư đang nắm bắt cơ hội để đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường. Động thái này không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung mà còn tạo động lực để loại hình bất động sản công nghiệp phát triển bùng nổ trong thời gian tới.

 

Giá nhà tăng chậm lại, thị trường bền vững hơn

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá nhà bình dân tại TP.HCM đang khoảng tầm 2 tỷ đồng trở lại cao gấp khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Đây là một tín hiệu đáng cảnh báo khi tại các nước công nghiệp phát triển, giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần. Vì thế, Chính phủ sẽ có những quyết sách tác động để hạ nhiệt thị trường. 

 

Cụ thể, việc thắt chặt dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản, các biện pháp kiểm soát như áp thuế tài sản sẽ giúp thanh lọc các doanh nghiệp đầu tư nhỏ lẻ. Sân chơi sẽ nhường cho các thương hiệu uy tín, tiềm lực tốt hơn. Khi các biện pháp này được thực thi, giá nhà khó tăng hàng chục phần trăm mỗi năm. Tuy nhiên,  triển vọng nhận được tỉ suất lợi nhuận 15-20%/năm vẫn đạt được và hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, ngoại tệ.

 

Nhu cầu phát triển nhà ở xã hội bùng nổ

 

Nhà ở xã hội vẫn luôn là vấn đề cấp thiết được đặt ra trong những năm qua nhưng vẫn chưa triển khai triệt để. Giai đoạn 2021- 2030, mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, theo Bộ Xây dựng,cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân. Tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2 trên quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn.

Tham gia vào cuộc đua phát triển nhà ở xã hội còn có sự tham gia của các ông lớn như Vinhomes công bố đề án 500.000 căn, Hưng Thịnh với kế hoạch xây 150.000 căn, Novaland khoảng 200.000 căn, Him Lam cam kết xây 75.000 căn,...  Việc tăng thêm hàng triệu căn nhà ở xã hội sẽ giải quyết bài toán thị trường nhà ở hiện nay, vốn đang “thừa khúc trên, thiếu khúc dưới”.

 

Khu đô thị vệ tinh đón sóng

 

Khi dân số tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội không ngừng gia tăng trạm mức 10 triệu người thì xu hướng hình thành các khu đô thị vệ tinh là điều tất yếu. Sự xuất hiện các khu đô thị vệ sinh sẽ kéo theo sự chuyển dịch của làn sóng hạ tầng và tạo đà tăng trưởng cho bất động sản địa phương thu hút nhà đầu tư. Mô hình này bao gồm phần lõi đô thị bên cạnh các vệ tinh vừa và nhỏ, được gắn kết nhờ hệ thống đường vành đai, liên tỉnh, quốc lộ và đường sắt dày đặc.

 

Tại TP.HCM, UBND khẩn trương triển khai quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, dự kiến xây dựng 4 khu đô thị mới bao gồm Khu Đô thị cảng Hiệp Phước, Khu Đô thị Tây Bắc, Khu Đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu Đô thị du lịch biển Cần Giờ. Định hướng các khu vực này sẽ phát triển theo hướng đô thị thông minh như một phương thức vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả, xoay quanh những cụm đô thị. Do đó, dự báo trong năm 2023, các nhà đầu tư tầm cỡ sẽ dịch chuyển về các vùng phụ cận, dẫn dắt dòng tiền đầu tư trong thời gian tới.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ