Tín hiệu lạc quan nào cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022?
Giá tăng nguồn cung khan hiếm và “siết” van tín dụng là hai yếu tố tác động nhiều đến cục diện của thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2022. Nhận định chung, thị trường 6 tháng còn lại sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ và mang đến những tín hiệu lạc quan cho nhà đầu tư.
Cơ hội trong khó khăn
Nhìn vào 6 tháng cuối năm, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng, Tp.HCM vẫn ghi nhận nguồn cung mới nhất định tham gia thị trường, đặc biệt đến từ các dự án quy mô lớn.
Nguồn cung của thị trường trong nửa cuối 2022 vẫn sẽ duy trì tốc độ như giai đoạn nửa đầu 2022 với khoảng 10.000 căn hộ mở bán và hơn 200 sản phẩm nhà liền thổ. Trong đó, phân khúc căn hộ vẫn tập trung ở các khu vực như TP.Thủ Đức và khu Nam. Đây là những khu vực kề trung tâm với quỹ đất hiện hữu. Ngoài ra, các khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong thời gian tới do nguồn cung tại TP.HCM hạn chế.
Đồng thời, liên quan đến vấn đề siết chặt tín dụng bất động sản, dưới góc nhìn chuyên gia, bà Trang nhận định đây là tín hiệu lạc quan. Bởi điều này cho thấy, thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Chỉ những chủ đầu tư thật sự có tiềm lực tài chính và minh bạch mới có thể thật sự tồn tại được. Ngược lại, các chủ đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay khó có thể “sống sót” trong cuộc chiến này.
Về khía cạnh người mua nhà, bà Trang cho biết, việc siết tín dụng nhằm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng và không có nhu cầu ở thực. Từ đó, người mua nhà có nhu cầu thực tế đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.
Mặt khác, bà Trang cũng cho hay: “Hiện nay, giá căn hộ tại TP.HCM cũng đang ở mức cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Do đó, nhà ở tại các tỉnh lân cận sẽ là điểm đến cho người dân TP.HCM hay người dân nhập cư đang có nhu cầu mua nhà ở”, bà Trang giải thích. Ở góc độ đầu tư, chuyên gia cho rằng việc Chính phủ kiểm soát thành công dịch Covid-19 và mở cửa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ là động lực lớn cho dòng FDI vào bất động sản. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, nguồn vốn vào thị trường sẽ được cải thiện tăng trở lại.
Do đó, sự “chững lại” hay “đóng băng” để đánh giá về thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022 chỉ mang tính chất thời điểm. Thực tế, lượng giao dịch trên thị trường vẫn sôi động, đặc biệt ở phân khúc chung cư, căn hộ. Vì đây là phân khúc đang có yêu cầu bức thiết và tác động trực tiếp đến xã hội.
Chung cư, căn hộ “lên ngôi”
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, “Theo nhìn nhận của tôi, tính thanh khoản của phân khúc chung cư vẫn tốt. Phải nói rằng, phân khúc chung cư là phân khúc ở thật, và cũng là phân khúc đầu tư cho thuê nên phát triển khá ổn định, khác với phân khúc đất nền.”
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường TP.HCM không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có chỉ nằm ở xa trung tâm. Nguồn cung trên thị trường hiện nay chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang. Chính sự xuất hiện của các dự án này đã đẩy giá bán căn hộ ở thị trường TP.HCM tăng vọt.
Để gia tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội tại các thành phố lớn đông dân cư như Hà Nội và TP.HCM, giải pháp trước mắt là cần nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội, liên quan đến thủ tục triển khai, tiếp cận đất đai, cân đối giá thành và cả việc phân phối đến đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án, các ưu đãi phải thực sự là ưu đãi. Về lâu dài, cần ưu tiên dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, quy hoạch những khu đất quy mô lớn ở vùng ven, kết nối hạ tầng đồng bộ, kêu gọi các doanh nghiệp kiến tạo những mô hình phát triển nhà ở xã hội sao cho giá nhà rẻ đi mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt.
Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định cũng như thoả mãn nhu cầu của người dân, nhu cầu ở thực, phải tạo ra nguồn cung tốt hơn, dồi dào hơn. Khi cung - cầu cân bằng, giá bất động sản sẽ tốt hơn, ổn định hơn, vì tạo ra tính cạnh tranh.
Mỹ Lệ