Những điểm “bất ổn” tại thị trường chung cư Hà Nội

11:27 23/08/2022

Trong những năm gần đây, nguồn cung nhà ở liên tục trở nên khan hiếm nhất là ở các thành phố lớn. Đơn cử như Hà Nội, phân khúc sơ cấp và cả chung cư cũ, căn hộ không sổ đỏ cũng tăng giá mạnh. Đây là một dấu hiệu đáng báo động đỏ của thị trường, đặt ra bài toán về nhà ở xã hội.

Với Hà Nội, chung cư luôn là câu chuyện nóng, đặc biệt là với chung cư cũ. Mặc dù, UBND thành phố ban hành Quyết định số 907 thành lập Tổ công tác nhằm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của thành phố về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn nhưng mọi thứ vẫn rơi vào tình trạng bế tắc. Công tác quản lý, vận hành còn nhiều bất cập, xảy ra các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về cả pháp lý lẫn các vấn đề cơ sở vật chất.

 

Hiện Hà Nội có hơn 930 nhà chung cư đang sử dụng; trong đó có 132 nhà chung cư đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực vào ngày 1/7/2006 và hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau thời điểm này. Trong số đó, nhiều chung cư đã “hết đát” nhưng vẫn chưa thể triển khai sửa chữa hay là phá dỡ xây mới.

 

Song thực trạng là thế, nhưng chung cư Hà Nội vẫn chưa bao giờ nằm ngoài biên độ nhiệt của thị trường. Đón đầu làn sóng tăng giá chung, chung cư, căn hộ liên tục được “thổi giá”, “đẩy giá” lên cao. Giá chung cư đã đạt trung bình 45 triệu đồng/m2 đối với căn hộ hạng C, cầm 2 tỷ trong tay chưa mua được căn hộ đã trở thành chuyện thường tình. Tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy… mặt bằng giá căn hộ chung cư tại khu vực này liên tục tăng. Các dự án được chào bán dao động từ 40 - 65 triệu đồng/m2.

 

Theo anh Nguyễn Văn Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi bán căn hộ chung cư cũ ở quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tháng 7 vừa rồi, căn hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ nhưng tôi bán được với mức giá 2,8 tỷ đồng, tức lãi 400 triệu đồng so với lúc mua.”

 

Một trường hợp khác, anh Vũ Tùng, một môi giới có nhiều năm bán bất động sản ở Hà Nội, hiện nay, nhiều căn hộ chung cư tại Hà Nội dù đã có tuổi đời từ 5 - 7 năm vẫn tăng giá khoảng 30 - 40%, thậm chí, giá nhà vẫn đang có xu hướng tăng tiếp tục.

 

Nguyên nhân đến từ phân khúc căn hộ bình dân ngày càng hạn hẹp do giá trị đất ngày càng tăng cao. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang tăng mạnh. Những yếu tố trên cộng với kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp làm cho giá trị của căn hộ tăng lên.

 

Thế nhưng, một thực tế không thể phủ nhận rằng, nhu cầu ở căn hộ Hà Nội là thực và rất lớn. Chỉ riêng trong quý II/2022, số lượng căn hộ bán ra chiếm trên hai nghìn căn và đầu năm 2022 khoảng trên sáu nghìn căn.

 

Trước tình hình thị trường căn hộ tại Hà Nội nửa cuối năm nay, các chuyên gia nhận định, giá bán vẫn duy trì xu hướng tăng, các dự án căn hộ mới tăng 9 - 15% so với quý trước. Xu hướng tăng giá đối với thị trường căn hộ thứ cấp nhiều khu vực cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại của thị trường. Tình trạng lệch pha cung cầu đang làm mất cân bằng thị trường, dẫn đến nhiều diễn biến khó lường.

 

Để tháo “nút thắt” chung cư Hà Nội cần có sự hợp lực từ hai phía giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn về thủ tục hành chính. Việc tinh gọn quy trình sẽ giúp tiến độ nhanh và thuận lợi hơn để các dự án sớm được triển. Đặc biệt, Nghị định số 69/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/9/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, được coi là “liều thuốc” hiệu nghiệm đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ