Nghịch lý giữa làn sóng “hạ nhiệt” người “ôm đất như ôm bom”, người lại chờ “bắt đáy”

07:58 29/09/2022

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang ở mức “chân không tới đất, đầu không tới trời”. Thế nên đã có nhiều nghịch lý xảy ra khi một số nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” chấp nhận cắt lỗ để bán đất thì các nhà đầu tư khác vẫn chờ cơ hội “bắt đáy” để “lướt sóng”.

Nhà đầu tư cắt lỗ “ôm đất như ôm bom”

 

Phần lớn giao dịch bất động sản trong 2 năm vừa rồi đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở. Vì thế, khi thị trường bất động sản đột ngột hạ nhiệt, nhiều người không thoát kịp hàng đã mắc kẹt lại. Nghịch cảnh đã xảy ra với thị trường bất động sản, khi nhiều người có đất đang chật vật rao bán, còn những nhà đầu tư có sẵn tài chính lại đang chờ giá giảm sâu để “bắt đáy”. Thị trường rơi vào tình trạng người bán thì nhiều nhưng người mua hiếm. Nhiều nhà đầu tư tay ngang “ôm đất như ôm bom”, dù cắt lỗ sâu nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị “chôn vốn”. 

 

Đơn cử, anh Hải, một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội chia sẻ, anh đã “chôn” hơn 10 tỷ đồng vào 4 lô đất nền ở Thạch Thất. Anh tìm mọi cách để nhanh chóng tìm thấy người mua như trả hoa hồng cao hơn cho môi giới, gọi khách hàng cũ, chạy quảng cáo,... Nhưng nhiều tháng trôi qua, anh vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào. Với diễn biến thị trường hiện tại, anh Hải có thể phải cắt lỗ sâu hơn để thu hồi vốn từng lô một. 

 

Có thể thấy, hiện tượng “sốt đất” đã hoàn toàn “suy yếu” ở các đất huyện vùng ven Hà Nội như: Thạch Thất, Mê Linh, Quốc Oai. Thậm chí, một thị trường sôi động như Bắc Giang cũng đang rơi vào vòng xoáy tắc thanh khoản. Đây là thời điểm khó xác định giá chung của thị trường đang dao động ở mức nào. Các nhà đầu tư đang rao bán phần lớn là sử dụng đòn bẩy tài chính, cắt lỗ để thoát hàng khi giá rao bán đang giảm sâu từ 10% - 15% so với thời điểm sốt đất.

 

Nhà đầu tư “bắt đáy” sinh lời nhanh

 

Nhìn chung, khoảng thời gian 3 tháng cuối năm khá nhạy cảm để tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, ở góc độ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đây là cơ hội “nghìn năm có một” để săn hàng giá rẻ. Đặc biệt, những mảnh đất có vị trí đẹp, nằm ở những khu vực có dự án quy hoạch rõ ràng hoặc những lô đất gần khu dân cư khi đưa vào triển khai thì khả năng khai thác giá trị thực rất tiềm năng. Vì thế, thời điểm này, nhà đầu có nhiều lợi thế để đàm phán, thậm chí ép giá những chủ đất đang gánh áp lực tài chính để có giao dịch “hời hơn”.

 

Cụ thể, anh Nguyễn Khánh nhà đầu tư đất nền Hà Nội vừa mua lô đất tại Thường Tín có diện tích 97m2 chỉ với giá 2,4 tỷ đồng. Trước đó, thời điểm sốt giá, lô đất này là 30 triệu đồng/m2, tương đương gần 3 tỷ đồng. Theo anh Khánh, mảnh đất có vị trí đắc địa khi giáp khu vực quy hoạch Vành đai 4 và gần khu công nghiệp. 

 

Sau một tháng, anh Khánh đã sang tay mảnh đất trên cho người khác và lời được 100 triệu đồng. Cứ như thế, anh lại tiếp tục đi tìm các mảnh đất có vị trí tốt, giá rẻ để xuống tiền, lướt sóng và sinh lời nhanh chóng. Mặc dù, lợi nhuận không được cao như thời điểm sốt đất nhưng miễn phát sinh giao dịch cũng là một cách anh chọn để đầu tư hiệu quả trong lúc thị trường u ám như hiện nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc nhà đầu tư chờ “bắt đáy” đang chứa nhiều rủi ro. Bởi làn sóng hạ nhiệt chỉ mới ở giai đoạn đầu chưa thật sự đi xuống sâu. Để có cơ hội chiến thắng cao hơn nên chờ thêm 6 tháng đến 1 năm để thật sự đón được “điểm rơi” của thị trường. Bởi đây là lúc kiểm soát tín dụng đã “ngấm đòn”, lãi suất ngân hàng có xu hướng tăng lên và mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn dòng tiền.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ