Công khai thông tin, đưa đất về giá trị thực

08:59 28/07/2022

Theo chuyên gia, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực. Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương vào cuộc trong việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Việc này giúp thị trường trở nên minh bạch, ngăn chặn tình trạng môi giới, "cò đất" lợi dụng, tung tin đồn thổi tạo sốt ảo, gây nhiễu loạn thị trường.

Giá đất liên tục “đạt đỉnh”

 

Từ năm 2021 đến nay, thị trường nhà đất tại các khu vực ven Hà Nội liên tục ghi nhận những đợt sốt đất chạy theo thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng, nâng cấp huyện lên quận, khiến giá đất liên tục tăng, xác lập mặt bằng giá mới.

 

Khảo sát tại một số kênh rao bán nhà đất, nếu như vào thời điểm đỉnh "sốt đất" hồi cuối tháng 3/2021, đất nền dự án trên địa bàn huyện Đông Anh giá trung bình 50 - 80 triệu đồng/m2. Tương tự, đất trong khu dân cư giai đoạn "sốt" giá 40 - 100 triệu đồng/m2, cá biệt khu vực gần với đường lớn gần tuyến Nhật Tân - Nội Bài hay cạnh quốc lộ 23B lên tới 150 triệu đồng/m2.

 

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam nhận định, những đợt sốt đất đã đẩy giá đất ở lên cao hơn nhiều giá trị thật và mặt bằng chung. Khi đã có khoảng cách về giá trong bối cảnh cơ chế thị trường thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó lớn nhất là vấn đề trục lợi, tham nhũng đất đai. Đây là một trong những kẽ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách.

 

Đơn cử tại Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở Toà án Nhân dân tối cao số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm vừa qua. UBND quận Hoàn Kiếm đã áp dụng tối đa chính sách bồi thường hỗ trợ cho các chủ sử dụng đất bị thu hồi tại dự án, đồng thời áp dụng cơ chế đặc thù để đảm bảo quyền lợi của người dân ở mức cao nhất. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều khó khăn khi khung giá Nhà nước quy định chênh rất xa so với giá thị trường.

 

Công khai thông tin

 

Trước thực trạng trên, Nghị quyết 18 của Trung ương được nhiều chuyên gia, dư luận quan tâm đó là bỏ khung giá đất và xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo quy luật thị trường. Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian này, nếu giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất, Chính phủ sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Nghị định 44/2022 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Trong đó, BXD đề nghị UBND các địa phương kiểm tra việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, đảm bảo sự vận hành của hệ thống cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS, nhất là thông tin về các dự án BĐS cần được công bố trước khi chủ đầu tư đưa BĐS ra giao dịch.

 

Ngoài ra, theo công văn 2653/BXD-QLN đề nghị UBND các tỉnh công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương, gửi báo cáo về Bộ Xây dựng theo quy định; Xây dựng và báo cáo UBND cấp tỉnh kế hoạch điều tra, thu thập, cập nhật thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương trong kế hoạch, nhiệm vụ của mình và tổ chức thực hiện sau khi được chấp thuận; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản về việc thực hiện chế độ cung cấp thông tin, dữ liệu.

 

Trong đó, đưa vào các luật nội dung tính toán các chỉ số giá đất, giá nhà, giá BĐS; chỉ số thị trường đất đai, thị trường nhà ở và thị trường BĐS theo hướng: Cập nhật tự động theo thời gian; thông tin phải phủ trùm cả nước; thông tin đất đai, nhà ở, BĐS phải kết nối thông tin với dữ liệu cá nhân (Căn cước công dân…); thông tin phải công khai, minh bạch và dự báo được; sử dụng thông tin có tính phí…

Chia sẻ