3 tháng cuối năm gửi tiết kiệm an toàn hơn đầu tư bất động sản?

11:27 26/09/2022

Khi làn sóng hạ nhiệt bắt đầu lan rộng trên bức tranh thị trường bất động sản, tâm lý các nhà đầu tư cũng trở nên e dè. Nhiều chuyên gia cho rằng, 3 tháng cuối năm không phải là thời điểm thích hợp để chuyển dịch dòng tiền vào bất động sản.

 

Từ thời điểm nới room tín dụng đến nay, thị trường bất động sản các tỉnh vẫn đang trầm lắng lượng giao dịch. Lượng nhà đầu tư gửi bán nhiều hơn lượng người đầu tư mưa nên các sản phẩm phần lớn đang hạ giá từ 5-10%.

 

Theo báo cáo của DKRA, trong tháng 7/2022, sức tiêu thụ căn hộ chung cư chỉ đạt 54%, giảm 16% so với tháng 6 và giảm 25% so với tháng 5. Tỷ lệ hấp thụ chung các dự án mới ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, dao động phổ biến chỉ từ 40 - 60% giỏ hàng mở bán trong tháng. Không chỉ có phân khúc căn hộ chung cư, tình trạng thanh khoản thấp cũng diễn ra đối với thị trường bất động sản nhà liền thổ. Nhà phố chỉ có 55% giao dịch thành công - hầu như không thay đổi xuyên suốt nửa đầu năm nay.

 

Bên cạnh đó, sức cầu chung toàn thị trường đất nền chỉ đạt 48%, giảm đáng kể so với các tháng trước đó. Cụ thể, giảm 6% so với tháng 6 và giảm 26% so với tháng 5. Hiện tại, một số điểm nóng đất nền vốn là tâm điểm đón sóng đầu tư tại Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm… cũng đang “tuột dốc không phanh”. Bởi giá mỗi ô đất được chào bán rẻ hơn 10-20% so với trên thị trường.

 

Thực tế cho thấy khi thị trường khó, hành vi của nhiều nhà đầu tư, đầu cơ bất động sản trở nên tiêu cực hơn, dè dặt hơn. Họ tìm cách chuyển “hòn than nóng” (bất động sản) cho kẻ khác ở những địa phương, chấp nhận giải pháp bán cắt lỗ để thoát khỏi tình trạng phá sản. Chính tâm lý cần đẩy bất động sản trong khi người mua ít sẽ kéo theo giá đất buộc phải hạ. Nếu tình trạng này kéo dài thì hiệu ứng domino chắc chắn xảy ra dẫn đến một kịch bản xấu là sự giảm giá lan rộng trên thị trường.

 

Thậm chí, làn sóng hạ nhiệt có khả năng tác động đến cả phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Bởi phân khúc này đang gặp những khó khăn về hành lang pháp lý cộng hưởng các yếu tố như điều chỉnh vấn đề về hoạt động kinh doanh bất động sản. Đồng thời, sự thay đổi về luật, quy định niên hạn chung cư, đánh thuế hay các yếu tố liên quan phân lô bán nền cũng ảnh hưởng đến thị trường.

 

Thế nên, khuyến nghị về việc đầu tư, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, thời điểm này, kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền là gửi tiết kiệm. Vì lạm phát ở Việt Nam vẫn tăng thấp hơn so với lãi suất nên ngân hàng vẫn thực dương, có khả năng sinh lời. Trong khi đó, bất động sản đang có nhiều điều chỉnh hợp lý về giá cả, chứng khoán cũng trong giai đoạn ổn định, cấu trúc lại. Do đó, thời điểm này thực sự không thuận lợi cho nhà đầu tư bất động sản và chứng khoán kiếm lợi mà chỉ bảo toàn vốn.

 

Dự báo trong 3 tháng cuối năm, việc mua bán, sáp nhập dự án sẽ bùng nổ. Bởi nhiều chủ đầu tư mặc dù có quỹ đất nhưng không có đủ tiềm lực tài chính để triển khai nên buộc phải bán dự án. Mặc khác, nhiều doanh nghiệp đã khó cầm cự khi đại dịch và lạm phát diễn ra liên tiếp. Nhà đầu tư đang mắc kẹt khi chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng, không thể tìm kiếm nguồn vốn mới. Như vậy, những nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng, thiếu chuyên nghiệp sẽ bị đẩy khỏi cuộc chơi. 

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ