Nỗi lo "sổ hồng" chung cư có thời hạn

09:57 27/07/2022

Sở hữu nhà chung cư có thời hạn là một chính sách mà nhiều nước đã làm từ lâu nhưng ở Việt Nam muốn thực hiện được. Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất phương án cấp "sổ hồng" chung cư 50 - 70 năm theo thời hạn sử dụng của công trình. Đề xuất này nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Có nên sở hữu nhà chung cư có thời hạn?

Nghịch lý vấn đề ở chung cư

 

Trong vòng 20 năm trở lại đây, văn hóa sống ở chung cư đã dần được người dân đón nhận và thích nghi trong bối cảnh lượng người dịch chuyển về các thành phố lớn để sinh sống, học tập, làm việc ngày càng lớn. Đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân đô thị, chung cư cao tầng xuất hiện và được xem như giải pháp giúp gia tăng hiệu quả sử dụng đất tại các thành phố lớn, đáp ứng thêm nhu cầu nhà ở cho người dân.

 

Dẫu thế, thực tế sở hữu và sử dụng nhà chung cư hiện nay tồn tại một nghịch lý. Trong khi người mua nhà chung cư được cấp sổ hồng sở hữu lâu dài, thì tuổi thọ của mọi công trình, trong đó có nhà chung cư là có hạn. 
 

Qua thời gian dài sử dụng, các chung cư dưới tác động của con người, thời tiết, khí hậu sẽ đều trở nên xuống cấp, thậm chí xập xệ, cần có sự can thiệp để cải tạo hoặc phá dỡ, xây mới lại. Phương án giải quyết vấn đề này như thế nào lại là bài toán đang làm đau đầu các cơ quan quản lý Nhà nước, giới chuyên gia, chủ đầu tư và đem tới nỗi lo lắng cho người dân.

 

Thống kê thực tế, chỉ riêng tại Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, chiếm số lượng nhiều nhất cả nước. Đến nay con số này vẫn đang tiếp tục được rà soát, cập nhật và có thể còn tăng lên. Nhà chung cư cũ chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, quy mô thường từ 2 đến 6 tầng, đã hết hạn sử dụng từ lâu, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ đổ sập, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Đáng chú ý là trước thực trạng đó, việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ thời gian qua lại diễn ra ì ạch, các doanh nghiệp lần lượt “đến rồi đi” bởi những vướng mắc về cơ chế và thủ tục bồi thường.

 

Nỗi lo về “sổ hồng” chung cư

 

Nhận thấy những vấn đề bất cập còn tồn tại, trách nhiệm các bên liên quan chưa rõ ràng khi các chung cư trở nên "có tuổi", Bộ Xây dựng đã đề xuất việc cấp quyền sở hữu chung cư có thời hạn. Theo đó, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành, tỉnh thành tiếp tục có phần nội dung liên quan đến sở hữu chung cư. 
 

Bộ Xây dựng trình Chính phủ hai phương án: Phương án 1 sẽ cấp “sổ hồng” cho căn hộ chung cư theo chế độ sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai (gồm đất ở lâu dài, đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng từ 50 - 70 năm). Phương án 2 là công trình chung cư thiết kế tuổi thọ bao nhiêu thì quyền sử dụng căn hộ sẽ được cấp theo đúng tuổi thọ công trình. Với phương án này, tùy thuộc vào cấp công trình, người mua sẽ được sở hữu với thời hạn tương ứng.

Tuy nhiên, đề xuất này với việc cấp “sổ hồng” có thời hạn cho căn hộ chung cư đang khiến nhiều người dân hoang mang. Đa số cư dân đang sống tại các chung cư cho rằng, việc quy định hạn sử dụng cho chung cư chẳng khác nào họ đang đi thuê một chỗ ở dài hạn, khi hết hạn sử dụng lại “cuốn gói ra đường” và cuối cùng đó vẫn không phải tài sản của mình, trong khi trước đó họ đã phải bỏ ra một số tiền lớn mới có nhà ở.

 

Anh Nguyễn Quang Minh (Mễ Trì Thượng, Hà Nội) cho hay: “Tôi năm nay 35 tuổi, đến nay mới để dành được 300 triệu đồng, phải vay thêm từ ngân hàng 700 triệu đồng để trả tiền mua chung cư cũ. Nếu luật chỉ cho phép sở hữu nhà chung cư 50 năm, thì khi mua tôi chỉ còn được sở hữu căn hộ của mình 30, 40 năm, trong khi đó phải tiếp tục còng lưng trả nợ trong 20 năm cho ngân hàng. Gia đình tôi cũng cảm thấy vô cùng hoang mang về quy định này”.

 

Vì vậy, Bộ Xây dựng cần cân nhắc việc áp dụng cả hai hình thức sở hữu này, đồng thời tạo ra hành lang giá khác nhau cho cả hai mô hình. Khi đó, người dân có thể mua căn hộ dựa trên khả năng tài chính, còn doanh nghiệp bất động sản cũng được lựa chọn phương án đầu tư thích hợp.

 

Bàn về vấn đề này, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, ông David Jackson chia sẻ: “Quyền sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn là điều không mới ở các nước trên thế giới. Nhưng vì đây là một đề xuất mới với nhiều người ở Việt Nam, nên rất cần xem xét và bàn thảo thận trọng, cân nhắc lộ trình hợp lý, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích để có thể đạt được mục tiêu dài hạn.”

 

Ngoài ra, các chuyên gia đều đồng thuận việc Việt Nam nên áp dụng thí điểm ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM trước khi nhân rộng mô hình này trên cả nước, để “giảm sốc” cho người dân, doanh nghiệp và thị trường bất động sản nói chung.

 

Mỹ Lệ

Chia sẻ